Nghiên cứu ảnh hưởng của diclodietyl sulfid lên protein, adn trong cơ vân, gan và tác dụng điều trị của natri thiosulfat và naturenz trên động vật thực nghiệm

Nghiên cứu ảnh hưởng của diclodietyl sulfid lên protein, adn trong cơ vân, gan và tác dụng điều trị của natri thiosulfat và naturenz trên động vật thực nghiệm

Luận án Nghiên cứu ảnh hưởng của diclodietyl sulfid lên protein, adn trong cơ vân, gan và tác dụng điều trị của natri thiosulfat và naturenz trên động vật thực nghiệm.Diclodietyl sulfid là chất độc gây chết người thuộc nhóm chất độc gây loét nát và được quân đội nhiều nước trang bị chính thức làm vũ khí hóa học [2], [9], [12], [18]. Diclodietyl sulfid đã được sử dụng nhiều lần từ cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho tới tận gần đây, trong chiến tranh Iran – Irắc (1983 – 1988). Hiện nay còn khoảng hơn 20 nước có vũ khí hóa học, chủ yếu là chất độc thần kinh và chất độc gây loét nát. Chỉ riêng Mỹ đã có tới 7 kho lớn tàng trữ diclodietyl sulfid [1], [11], [12], [18], [39]. Theo nhiều chuyên gia, các chất độc quân sự, trong đó có diclodietyl sulfid, vẫn có khả năng được sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ … [5], [55]. Hơn nữa, gần đây xuất hiện nguy cơ mới là các chất độc quân sự được sử dụng vào mục đích khủng bố [5], [45], [86].

Trong gần một thế kỷ vừa qua đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về diclodietyl sulfid từ cơ chế bệnh sinh đến các biện pháp dự phòng và điều trị. Song cho đến nay, một số vấn đề về tác động của diclodietyl sulfid đối với cơ thể vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn và chưa tìm được thuốc chống độc đặc hiệu đối với loại chất độc này. Vì vậy, các nghiên cứu về thuốc điều trị tổn thương toàn thân cũng như tại chỗ do diclodietyl sulfid vẫn tiếp tục được tiến hành tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam đã có một số tác giả nghiên cứu về chất độc diclodietyl sulfid trong lĩnh vực y – sinh học như: Nguyễn Bằng Quyền (1981) nghiên cứu tác dụng điều trị của một số chế phẩm từ tảo spirulina; Nguyễn Ngọc Thìn (1991) nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng protein trong máu; Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Hồng Sơn (1996) nghiên cứu về tổn thương giải phẫu bệnh lý; Vũ Mạnh Hùng (1996) nghiên cứu về khả năng tạo gốc tự do; Hoàng Công Minh (2001) nghiên cứu sự biến đổi một số chỉ tiêu hóa sinh trong máu [6], [7], [8], [14], [17] …

Diclodietyl sulfid là loại chất độc không chỉ gây tổn thương tại chỗ mà còn được hấp thu vào cơ thể gây nhiễm độc toàn thân. Diclodietyl sulfid là tác nhân alkyl hóa gây tổn thương ADN trong nhân tế bào, làm rối loạn tổng hợp protein, rối loạn chuyển hóa, dẫn tới cơ thể bị suy mòn, suy kiệt [11]. Gần đây, người ta đã khẳng định diclodietyl sulfid gây tăng gánh nặng oxy hóa do tăng tạo gốc tự do, gây bất hoạt nhanh chóng các protein có nhóm sulfhydryl và làm giảm hàm lượng glutathion. Tuy nhiên, tổn thương oxy hóa các protein do diclodietyl sulfid thì ít thấy có tài liệu đề cập.

Hiện nay, việc xử trí nhiễm độc diclodietyl sulfid chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng, thời gian chữa khỏi kéo dài, tỷ lệ tử vong cao. Do không có thuốc chống độc đặc hiệu nên natri thiosufat vẫn là loại thuốc chủ yếu để điều trị các rối loạn toàn thân. Gần đây, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và bào chế một số loại chế phẩm sinh học nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, trong đó có naturenz. Tác dụng chống oxy hóa, tăng cường phục hồi cơ quan tạo máu của naturenz gợi ý khả năng có thể kết hợp với natri thiosufat để khắc phục những rối loạn toàn thân do diclodietyl sulfid gây nên [3].

Xuất phát từ những cơ sở nói trên, chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu:

1)  Xác định sự biến đổi hàm lượng và thành phần protein, ADN trong mô cơ vân, gan trên động vật nhiễm độc diclodietyl sulfid.

2) Đánh giá tác dụng của natri thiosulfat phối hợp với naturenz trong điều trị nhiễm độc diclodietyl sulfid thông qua sự biến đổi hàm lượng và thành phần protein, ADN trên động vật thực nghiệm.

Để giải quyết các mục tiêu trên, đề tài có nhiệm vụ:

❖ Xác định các chỉ tiêu về sinh trưởng chung gồm: tỷ lệ sống sót, thời gian sống trung bình, trọng lượng cơ thể, trọng lượng gan, thận và lách của các nhóm động vật nghiên cứu.

❖ Xác định hàm lượng và hình ảnh điện di ADN trong gan và cơ vân chuột.

❖ Xác định hàm lượng protein (thông qua hàm lượng nitơ), hàm lượng protein carbonyl trong gan và cơ vân; hàm lượng nhóm sulfhydryl, hoạt độ enzym peroxidase trong gan.

❖ Đánh giá tác dụng điều trị của natri thiosulfat và naturenz dựa theo các chỉ tiêu đã lựa chọn.

MỤC LỤC

Trang

Trang phụ bìa Lời cam đoan Mục lục

Danh mục các chữ viết tắt Danh mục các bảng Danh mục các ảnh và biểu đồ

ĐẶT VẤN ĐỀ 1

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1. Đặc điểm chung của chất độc diclodietyl sulfid 4

1.2. Độc động học của diclodietyl sulfid 7

1.3. Các tổn thương và biểu hiện lâm sàng trong nhiễm độc

diclodietyl sulfid 22

1.4. Dự phòng và điều trị nhiễm độc diclodietyl sulfid 30

CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu 41

2.2. Phương pháp nghiên cứu 44

2.3. Phương pháp xác định các chỉ tiêu 46

2.4. Phương pháp xử lý số liệu 56

CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Tỷ lệ sống sót và thời gian sống trung bình của động vật

thực nghiệm 57

3.2. Thay đổi trọng lượng cơ thể, trọng lượng gan, thận, lách

động vật thực nghiệm 59

3.3. Hàm lượng nitơ trong gan và cơ vân xương 67 

3.4.  Hàm lượng protein carbonyl trong mô gan và cơ vân xương động vật thực nghiệm

3.5.  Hoạt độ peroxidase và hàm lượng nhóm sulfhydryl trong gan

3.6. Hàm lượng ADN trong gan và cơ vân chuột

3.7. Hình ảnh điện di ADN tách từ gan và cơ vân chuột

3.8. Kết quả điện di protein trong gan và cơ vân chuột CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN

4.1.  Thay đổi của các chỉ tiêu nghiên cứu trên động vật thực nghiệm nhiễm độc diclodietyl sulfid

4.2. Tác dụng của natri thiosulphat đơn thuần và kết hợp với

naturenz trong điều trị nhiễm độc diclodietyl sulfid

KẾT LUẬN

KIẾN NGHỊ

DANH MỤC CÁC BÀI BÁO CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHỤ LỤC

Leave a Comment