Nghiên cứu áp dụng và đánh giá hiệu quả của phương pháp nút nhánh tĩnh mạch cửa gây phì đại gan trước phẫu thuật cắt gan
Luận án Nghiên cứu áp dụng và đánh giá hiệu quả của phương pháp nút nhánh tĩnh mạch cửa gây phì đại gan trước phẫu thuật cắt gan.Theo thống kê trong vòng 20 năm gần đây tỷ lệ ung thư gan tăng lên đáng kể, tại Mỹ tỷ lệ này tăng từ 1,5 lên 4,5 người/100.000, đồng thời với tăng 41% tỷ lệ chết hàng năm của căn bệnh này. Ung thư gan nguyên phát (UTGNP) đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân chết do ung thư trên thế giới. Mặc dù tỷ lệ chết tăng lên cùng với tỷ lệ mắc bệnh nhưng tỷ lệ bệnh nhân sống sau 1 năm tăng lên đáng kể từ 25 lên 47% do khả năng phát hiện sớm cũng như tiến bộ của các phương pháp điều trị [1],[2].
Tỷ lệ phát hiện ung thư trong nhóm các bệnh nhân xơ gan được theo dõi khoảng 2 đến 6%. Tất cả các loại xơ gan do các nguyên nhân khác nhau đều có thể dẫn đến ung thư, trong đó khoảng 80% các bệnh nhân ung thư gan do viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính, các bệnh nhân phối hợp cả hai loại vi rút này thì mức độ tiến triển thành ung thư gan nhanh hơn so với chỉ mắc đơn thuần 1 loại vi rút. Những yếu tố nguy cơ cao khác dẫn đến ung thư như bệnh gan do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), xơ gan đường mật nguyên phát và suy giảm – alpha-1 antitrypsin, ngộ độc Aflatoxin sinh ra từ nấm mốc trong ngũ cốc, các loại hạt [3],[4].
Việt Nam là nước nằm trong vùng dịch tễ của viêm gan vi rút B với tỷ lệ người nhiễm vi rút cao trên thế giới, với tỷ lệ người nhiễm viêm gan B trên 10% [5].
Phẫu thuật ghép gan là phương pháp tốt nhất để điều trị các khối u gan có chỉ định ghép gan vì phẫu thuật loại bỏ được khối u và gan xơ, phương pháp này được áp dụng tại các nước phát triển, tuy nhiên hiện nay chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam do hạn chế về nguồn hiến tạng và giá thành còn cao.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u được xếp vào điều trị triệt căn khối u, tuy nhiên chỉ có 20% các trường hợp khi phát hiện khối u gan là còn chỉ định phẫu thuật, một trong các yếu tố dẫn đến chống chỉ định trong phẫu thuật cắt gan, đặc biệt là cắt gan lớn (cắt lớn hơn 3 hạ phân thùy gan- thường là khối u gan phải) là thể tích gan còn lại không đủ, có nguy cơ suy gan sau phẫu thuật có thể dẫn đến tử vong, để hạn chế được biến chứng này cần làm tăng thể tích gan lành còn lại theo dự kiến bằng phương pháp nút nhánh tĩnh mạch cửa.
Phương pháp nút nhánh tĩnh mạch cửa đầu tiên đã được Makuuchi (1984) [6] áp dụng cho 14 bệnh nhân ung thư đường mật rốn gan, sau đó năm 1986 Kinoshita [7] và cộng sự nút tĩnh mạch cửa nhằm hạn chế sự lan tràn của ung thư biểu mô tế bào gan khi đã được điều trị nút mạch hóa chất không hiệu quả.
Tại Việt Nam, trường hợp nút tĩnh mạch cửa đầu tiên được thực hiện 3/2009 cho bệnh nhân di căn gan phải sau phẫu thuật cắt khối tá tụy [8] nhằm làm tăng thể tích gan trái trước dự định phẫu thuật cắt gan phải.
Để đánh giá tính an toàn, hiệu quả và khả năng áp dụng phương pháp nút nhánh tĩnh mạch cửa gây phì đại gan trước phẫu thuật cắt gan lớn chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu áp dụng và đánh giá hiệu quả của phương pháp nút nhánh tĩnh mạch cửa gây phì đại gan trước phẫu thuật cắt gan” với 3 mục tiêu:
1.Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân u gan có chỉ định áp dụng qui trình kỹ thuật nút tĩnh mạch cửa.
2.Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của kỹ thuật nút nhánh tĩnh mạch cửa làm phì đại nhu mô gan còn lại theo dự kiến trước phẫu thuật cắt gan lớn.
3.Xây dựng qui trình kỹ thuật nút tĩnh mạch cửa trong phẫu thuật cắt gan lớn: chỉ định, chống chỉ định và các bước tiến hành kỹ thuật
Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất