Nghiên cứu bao phủ một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở phụ nữ có con dưới 12 tháng tuổi tại hai tỉnh miền Bắc Việt Nam năm 2013

Nghiên cứu bao phủ một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở phụ nữ có con dưới 12 tháng tuổi tại hai tỉnh miền Bắc Việt Nam năm 2013

Luận văn Nghiên cứu bao phủ một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở phụ nữ có con dưới 12 tháng tuổi tại hai tỉnh miền Bắc Việt Nam năm 2013.Sức khoẻ sinh sản là một phần rất quan trọng của sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa sức khỏe sinh sản là trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội của tất cả những gì liên quan tới bộ máy sinh sản chứ không phải là không có bệnh hay khuyết tật của bộ máy đó [1]. Sức khoẻ sinh sản quan tâm đến các vấn đề của bộ máy sinh sản nam nữ ở mọi lứa tuổi, đặc biệt chú trọng đến tuổi vị thành niên và độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi).

Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo năm 1994 đã khẳng định mọi người đều có quyền được hưởng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe sinh sản như nhau và kêu gọi các nước hướng tới bao phủ toàn dân các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản [2]. Đạt được bao phủ y tế toàn dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cũng là một trong hai chỉ tiêu chính của Mục tiêu 5 trong tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ được đưa ra bởi 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc vào năm 1989 và nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015 [1],[3].
Tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ sức khỏe sinh sản có thể được coi như một phần không thể thiếu trong bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO): “Bao phủ toàn dân (Universal Coverage – UC), hoặc Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage- UHC), được định nghĩa là sự bảo đảm để mọi người dân khi cần đều có thể sử dụng các dịch vụ nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng và hiệu quả, đồng thời bảo đảm rằng việc sử dụng các dịch vụ này không làm cho người sử dụng gặp phải khó khăn tài chính” [4].
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang coi thực hiện nội dung về CSSKSS là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước.Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao tiếp cận sức khỏe sinh sản cho tất cả người dân bao gồm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; kế hoạch hóa gia đình; tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; xây dựng các chương trình, chính sách và luật pháp về chăm sóc sức khỏe sinh sản để tăng cường các dịch vụ có chất lượng tới người nghèo và các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, hiện vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam, đặc biệt tại các vùng khó khăn còn có tương đối nhiều vấn đề thách thức.Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở vùng miền núi, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các khu vực khó khăn còn thiếu mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu đội ngũ nhân viên y tế cũng như điều kiện làm việc chưa được đảm bảo [5].
Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản trong giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu bao phủ toàn dân về chăm sóc sức sinh sản, bao gồm cả sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình tự nguyện. Để có thể đạt được mục tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng khó khăn, các bằng chứng về đánh giá thực trạng bao phủ toàn dân về chăm sóc sức sinh sản tại các khu vực này là rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và quản lý y tế cũng như đối với toàn bộ cộng đồng. Hơn nữa, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về tác động của chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu bao phủ một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở phụ nữ có con dưới 12 tháng tuổi tại hai tỉnh miền Bắc Việt Nam năm 2013” với mục tiêu :
1.    Mô tả độ bao phủ của một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở phụ nữ có con dưới 12 tháng tuổi tại hai tỉnh miền Bắc Việt Nam năm 2013.
2.    Phân tích một số yếu tố liên quan đến chi phí thảm hoạ và nghèo hoá của hộ gia đình do chi phí cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản trong 12 tháng qua tại địa bàn nghiên cứu.

Leave a Comment