Nghiên cứu các kiểu gen của vi rút viêm gan C ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan
Luận án Nghiên cứu các kiểu gen của vi rút viêm gan C ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan.Ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) là loại ung thư phổ biến, đứng thứ 6 trên thế giới, trong đó đứng thứ 5 ở nam và thứ 8 ở nữ và có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Đây là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do ung thư ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Luận án Nghiên cứu các kiểu gen của vi rút viêm gan C ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan Bên cạnh viêm gan B thì viêm gan vi rút C mạn tính là yếu tố căn nguyên quan trọng liên quan đến UTBMTBG. Vi rút viêm gan C (HCV) gây UTBMTBG bằng cách thúc đẩy quá trình viêm nhiễm và hóa sợi tại gan, cuối cùng đưa đến xơ gan và UTBMTBG. Mặc dù còn nhiều tranh luận về cơ chế gây UTBMTBG của HCV, nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đề cập đến vai trò của kiểu gen HCV. Ở Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu về kiểu gen HCV ở những bệnh nhân viêm gan C cấp tính hoặc mạn tính nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về kiểu gen HCV ở những bệnh nhân UTBMTBG trên nền viêm gan C mạn. Xuất phát từ những lý do đó, chúng tôi thực hiện luận án này nhằm mục tiêu:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và xác định kiểu gen HCV ở bệnh nhân UTBMTBG.
2. Đánh giá mối liên quan giữa kiểu gen HCV với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân UTBMTBG.
2. Tính cấp thiết Luận án Nghiên cứu các kiểu gen của vi rút viêm gan C ở bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan
Hiện tại đã xác định 6 kiểu gen HCV gây bệnh. Ở Việt Nam, các nghiên cứu trên bệnh nhân viêm gan C mạn ghi nhận thường gặp nhất là kiểu gen 6, tiếp theo là kiểu gen 1 rồi đến kiểu gen 2. Một số tác giả nói đến nguy cơ cao gây UTBMTBG ở những bệnh nhân nhiễm HCV kiểu gen 1 (1b); nhưng một số nghiên cứu khác lại nói đến nguy cơ cao ở những bệnh nhân nhiễm HCV kiểu gen 3. Do đó, nghiên cứu về vai trò của các kiểu gen HCV ở bệnh nhân UTBMTBG là việc làm cần thiết, góp phần làm sáng tỏ thêm cơ chế bệnh sinh của bệnh.
3. Những đóng góp mới của luận án
Luận án đã xác định kiểu gen (genotype) và dưới kiểu gen (subtype) của vi rút viêm gan C ở 68 bệnh nhân UTBMTBG và 63
bệnh nhân viêm gan mạn tính do HCV. Đồng thời luận án cũng đã chỉ ra nguy cơ bị UTBMTBG ở bệnh nhân nhiễm HCV kiểu gen 1b2 cao gấp 4,92 lần so với bệnh nhân nhiễm HCV không phải 1b (p = 0,008; OR = 4,92, 95% CI: 1,52 – 15,96). Nghiên cứu cũng đã xác định có mối liên quan thuận giữa kiểu gen 1b với tải lượng HCV ở bệnh nhân UTBMTBG.
4. Bố cục của luận án:
Luận án được trình bày 128 trang bao gồm: đặt vấn đề 2 trang, tổng quan tài liệu 38 trang, đối tượng và phương pháp nghiên cứu 20 trang, kết quả nghiên cứu 32 trang, bàn luận 33 trang, kết luận 2 trang, kiến nghị 1 trang.
Luận án có 44 bảng, 14 biểu đồ, 5 hình, 1 sơ đồ, 146 tài liệu tham khảo, trong đó có 29 tài liệu tiếng Việt, 117 tài liệu tiếng Anh.
Chương 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Dịch tễ học UTBMTBG:
UTBMTBG là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 6 trên thế giới. Tại Việt Nam, tác giả Vương Anh Dương (2010) ghi nhận ung thư gan đứng hàng thứ ba trong các bệnh lý ung thư ở nam. Theo thống kê của tác giả Nguyễn Đình Song Huy (2015) từ 2010-2014 số lượng bệnh nhân UTBMTBG tăng dần theo từng năm, trong đó bệnh nhân UTBMTBG chủ yếu là nam, nguyên nhân chủ yếu là do vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C.
1.2. Đặc điểm sinh học vi rút viêm gan C
1.2.1. Đặc điểm về hình thái và cấu trúc: HCV là vi rút thuộc họ Flaviviridae, có cấu trúc chuỗi đơn RNA.
1.2.2. Đặc điểm kiểu gen
Trong chu kỳ nhân lên của vi rút HCV phải sử dụng men RNA polymerase, mà men này không có khả năng sửa sai trong quá trình tổng hợp RNA, từ đó làm cho bộ gen của HCV rất đa dạng nên người ta đã phân HCV thành nhiều loại khác nhau.
Việc xác định kiểu gen và phân nhóm dựa vào trình tự nucleotide. Nếu khác biệt trình tự nucleotide > 20% ta có các kiểu
gen khác nhau. Nếu khác biệt trình tự nucleotide ≤ 20% ta có các phân nhóm khác nhau của cùng một kiểu gen.
Hiện tại đã xác định 6 kiểu gen HCV gây bệnh, kiểu gen 1 và 3 phân bố trên toàn cầu, trong đó kiểu gen 1 thường gặp nhất (46%),3 tiếp theo là kiểu gen 3 (22%), kiểu gen 2 (13%), và kiểu gen 4 (13%).
Trước đây đa số các kỹ thuật đều chú ý đến vùng 5’UTR (5’ untranslated region hay còn gọi là 5’NC: 5’ non-coding) trong việc
định tính và định lượng HCV do bởi vùng này có tính bảo tồn cao giữa các kiểu gen khác nhau của HCV. Tuy nhiên chỉ dựa vào vùng 5’NC thì không đủ để phân biệt các phân týp gần giống nhau trong cùng một týp HCV. Do đó ngày nay việc định kiểu gen HCV là dựa vào những vùng mã hóa (coding region) như vùng lõi (core), vùng NS5B, NS4 hoặc vùng E1.
Ngoài ý nghĩa về dịch tễ học, trong thực hành lâm sàng xác định kiểu gen HCV cho dự đoán được đáp ứng điều trị, thời gian điều trị. Mặc dù còn nhiều mâu thuẫn và tranh cãi, nhưng những nghiên cứu trong và ngoài nước đều ghi nhận vai trò của kiểu gen 1 và kiểu gen 3 ảnh hưởng đến UTBMTBG. Tại Việt Nam thường gặp là kiểu gen 6 rồi đến kiểu gen 1và 2, còn kiểu gen 3 chưa được công bố ở quần thể dân số chung tại Việt Nam trừ một số đối tượng đặc biệt nghiện chích ma túy nhiễm HCV. Vai trò của kiểu gen 1 trong UTBMTBG bước đầu đã được nghiên cứu những còn lẻ tẻ và chưa có hệ thống. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng tôi thực hiện đề tài này.
1.2.3. Quá trình nhân lên của vi rút viêm gan C: xảy ra trong bào tương của tế bào nhờ quá trình tổng hợp trung gian qua sợi âm RNA.
1.3. Diễn tiến tự nhiên của nhiễm vi rút viêm gan C
1.3.1. Viêm gan vi rút C cấp: đa số không có triệu chứng.
1.3.2. Viêm gan vi rút C mạn: 75-85% nhiễm HCV sẽ tiến triển thành viêm gan mạn, là nguy cơ dẫn đến xơ gan và UTBMTBG.
1.4. Cơ chế gây UTBMTBG do nhiễm HCVNhiễm HBV mạn tính gây UTBMTBG chủ yếu thông qua con
đường trực tiếp. Ngược lại, người mắc viêm gan C mạn tính thường tiến triển thành UTBMTBG trên nền gan xơ. Ngoài con đường gián tiếp thông qua xơ gan thì HCV còn gây UTBMTBG qua con đườngtrực tiếp thông qua các protein HCV như protein lõi, NS3, NS4B và NS5A
Nguồn: https://luanvanyhoc.com