Nghiên cứu chẩn đoán và kết quả điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng đường mổ cổ trước bên tại Bệnh viện Việt Đức
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một bệnh lý thường gặp. Trước đây, muốn chẩn đoán xác định phải chụp cột sống cổ có thuốc cản quang hoặc chụp đĩa đệm. Tuy nhiên, những phương pháp này mang tính xâm hại cao, mặt khác kết quả cũng không phản ảnh rõ tình trạng biến đổi các tổ chức phần mềm như: Tủy sống, các rễ thần kinh, khoang dịch não tủy, các dây chằng. Các phương pháp này cũng có thể gây nhiều tai biến cho bệnh nhân nên hiện nay không được sử dụng rộng rãi. Do vậy, nhiều bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không được chẩn đoán sớm, nên không được điều trị hoặc điều trị không đúng, làm giảm hoặc mất sức lao động trong xã hội, hoặc bị tàn phế. Từ những năm 1980 đến nay, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, đặc biệt chụp cộng hưởng từ, nên bệnh nhân ngày càng được phát hiện thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ ngày càng nhiều [21]. Kobubun [87] (1996) đã nghiên cứu dịch tễ ở một quận vùng Đông Bắc Nhật Bản với dân số 2,26 triệu người, thấy tỷ lệ bệnh nhân phải phẫu thuật do bệnh lý tủy cổ hằng năm là 5,7 người/100.000 dân, trong đó có 27% do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Tỉ lệ bệnh nhân phải mổ do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hằng năm là 1,54/100.000 dân. Ở Mỹ, theo nghiên cứu dịch tễ học ở Rochester, Minnesota (1994) [111] số người có hội chứng rễ thần kinh cổ do các nguyên nhân là 107,3 nam và 63,5 nữ trên 100.000 người dân. Số người được khảo sát trên cộng hưởng từ có thoát vị đĩa đệm mà không có triệu chứng ở tuổi dưới 40 là 10%, tuổi trên 40 là 5%. Ở Ý, theo nghiên cứu vào năm 1996, số người mắc hội chứng chèn ép rễ thần kinh do thoái hóa đốt sống cổ có tỉ lệ 3,5 trên 1000 người dân [99].
Ở Việt Nam, chỉ trong 2 năm từ khi có chụp cộng hưởng từ, Hoàng Đức Kiệt (1994) [12] đã thông báo 90 trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Từ đó đến nay, tỉ lệ phát hiện bệnh ngày càng nhiều, tuy mới chỉ tập trung ở một số trung tâm điều trị lớn. Việc chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ còn gặp nhiều khó khăn do triệu chứng lâm sàng của bệnh khá đa dạng, các triệu chứng thay đổi tùy theo vị trí, thể loại, mức độ thoát vị và tuổi, giới… mà biểu hiện lâm sàng ở dạng cấp tính, hoặc mãn tính. Hơn nữa bệnh cảnh của thoát vị đĩa đệm thường nằm trong bệnh cảnh chung của bệnh lý thoái hóa cột sống, nên bệnh nhân thường đến khám và điều trị ở các chuyên khoa như nội khoa, chấn thương chỉnh hình và khoa xương khớp khác. Do đó bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn khi đã có chèn ép thần kinh gây ra các rối loạn vận động và cảm giác [14],[22].
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gồm điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật. Ngay trong điều trị phẫu thuật cũng có nhiều kỹ thuật, đường mổ khác nhau và chỉ định cho từng trường hợp. Ở nước ta , việc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ trước đây là điều trị bảo tồn, chủ yếu chữa triệu chứng trong bệnh cảnh chung của bệnh lý thoái hóa. Từ thập niên 90, tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh và chấn thương chỉnh hình đã mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng đường cổ trước bên có sự hỗ trợ của kính vi phẫu [2],[17]. Đây là bước tiến mới giúp rất nhiều trong phẫu thuật lấy đĩa đệm, mài xương thoái hóa, giải ép rễ, tủy thần kinh, mạch máu, mang lại kết quả khả quan [26][19]. Trên cơ sở đó, NCS tiến hành đề tài: “Nghiên cứu chẩn đoán và kết quả điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng đường mổ cổ trước bên tại Bệnh viện Việt Đức ” nhằm các mục tiêu sau:
1. Mô tả các triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh đe chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
2. Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật qua đường mổ cổ trước bên có hỗ trợ kính vi phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức.
MỤC LỤC
ĐẶT VẤN ĐỀ 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN 3
1.1. Lịch sử nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam 3
1.2. Giải phẫu và liên quan của đĩa đệm 5
1.3. Sinh bệnh học của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ 16
1.4. Biểu hiện lâm sàng 21
1.5. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh 26
1.6. Các phương pháp điều trị 32
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 41
2.1. Đối tượng nghiên cứu 41
2.2. Phương pháp nghiên cứu 42
2.3. Phân tích và xử lý số liệu 54
2.4. Sai số và cách khắc phục 55
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 56
3.1. Đặc điểm chung 56
3.2. Triệu chứng lâm sàng 58
3.3. Chẩn đoán hình ảnh 61
3.4. Điều trị phẫu thuật 67
3.5. Kết quả ngay sau mổ 69
3.6. Kết quả khám lại 72
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN 86
4.1. Đặc điểm dịch tễ học bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ 86
4.2. Đặc điểm của một số triệu chứng trong bệnh lý TVĐĐ cột sống cổ… 88
4.3. Số tầng và vị trí phẫu thuật 91
4.4. Chẩn đoán hình ảnh trước mổ 92
4.5. Phẫu thuật TVĐĐ cột sống cổ theo đường mổ cổ trước bên 96
4.6. Kết quả tổng số điểm và tỉ lệ phục hồi chung : 111
KẾT LUẬN 112
KIẾN NGHỊ 114
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN
TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích