Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ lao phổi mới và kết quả điều trị lao phổi mới AFB(+) tại huyện An Lão

Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ lao phổi mới và kết quả điều trị lao phổi mới AFB(+) tại huyện An Lão

Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ lao phổi mới và kết quả điều trị lao phổi mới AFB(+) tại huyện An Lão thành phố Hải Phòng năm 2008-2012/ Vũ Văn Vui. 2014. Bệnh lao phổi được loài người biết đến từ trước công nguyên trong một thời gian dài, người ta xem bệnh lao là một bệnh di truyền không thể chữa được.

Có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu về bệnh lao nhưng mãi đến năm 1882 Robert Kock tìm ra nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn lao, đã mở ra một kỷ nguyên mới về chẩn đoán, phòng và điều trị lao.
Với sự ra đời của hàng loạt thuốc chống lao, đồng thời với việc áp dụng rộng rãi việc tiêm phòng lao cho trẻ em bằng vacxin BCG đã làm thay đổi tình hình dịch tễ bệnh lao. Tuy nhiên do tính chất và đặc điểm lây truyền của bệnh lao làm nhiều người mắc, tỷ lệ tử vong cao, nên ngày nay bệnh lao vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến xã hội loài người. Tháng 4/1993 tổ chức Y tế thế giới (WHO) [40] đã báo động đến chính phủ các quốc gia trên toàn cầu về nguy cơ quay lại của bệnh lao và sự gia tăng của nó ở Việt Nam, bệnh lao vẫn còn phổ biến và là một trong 22 quốc gia có bệnh lao ở mức độ trầm trọng nhất thế giới.
Bệnh lao là một bệnh xã hội, bệnh tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế xã hội, chế độ xã hội, mức sống, hoàn cảnh sinh hoạt, các hiện tượng xã hội như thiên tai, chiến tranh, những nước có nhiều người nhiễm HIV, đều ảnh hưởng đến tình hình bệnh lao. Điều đáng chú ý là 95% số bệnh nhân lao và 98% trường hợp tử vong do lao đều ở các nước đang phát triển, bệnh nhân tử vong thường ở lứa tuổi 15-65 (80%) đó cũng là lứa tuổi lao động. Như vậy bệnh lao trở thành một gánh nặng thật sự đối với các nước đang phát triển cả về mặt xã hội và kinh tế [37].
Tất cả các bệnh nhân lao đều có thể là nguồn lây, nhưng mức độ lây khác nhau. Lao phổi là thể lao dễ đưa vi khuẩn ra môi trường bên ngoài vì vậy lao phổi là nguồn lây quan trọng nhất. Nhưng ngay đối với bệnh nhân lao phổi phát hiện vi khuẩn lao (AFB+) trong đờm bằng phương pháp nhuộm soi trực tiếp thì khả năng lây cho người khác gấp 10 lần, các bệnh nhân lao phổi phải nuôi cấy mới phát hiện được vi khuẩn lao hoặc không tìm thấy vi khuẩn lao trong đờm.
Bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm phát hiện được bằng phương pháp soi kính trực tiếp là nguồn lây nguy hiểm nhất (còn gọi là nguồn lây chính). Chương trình chống lao quốc gia ở nước ta đang tập trung phát hiện và điều trị cho những bệnh nhân này.
Sự chậm chễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao phổi có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng về tỷ lệ tử vong, thêm vào đó, những trường hợp lao phổi chưa được điều trị sẽ làm lây truyền bệnh lao trong cộng đồng.
Hiện tại việc phát hiện, chẩn đoán bệnh nhân lao nói chung và lao phổi AFB(+) nói riêng còn chậm trễ, chính vì vậy những bệnh nhân này là nguồn lây nguy hiểm lây bệnh cho cộng đồng.
Việc nghiên cứu những đặc điểm ở bệnh nhân lao phổi mới để góp phần phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời những bệnh nhân này là rất cần thiết.
Huyện An Lão là huyện nằm ở phía Nam của thành phố Hải Phòng, là huyện thuần nông thu nhập bình quân đầu người thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn, có tỉ lệ bệnh nhân lao cao, tuy vậy chưa có nghiên cứu nào về dịch tễ học và kết quả điều trị lao phổi mới.
Vì vậy chúng tôi nghiên cứu đề tài này nhằm 2 mục tiêu:
1.    Mô tả một số đặc điểm dịch tễ lao phổi mới và một số yếu tố liên quan tại huyện An Lão- thành phố Hải Phòng trong 5 năm (2008-2012).
2.    Đánh giá kết quả điều trị lao phổi mới AFB(+) theo chương trình chống lao quốc gia tại huyện An Lão- thành phố Hải Phòng trong 5 năm (2008¬2012).

Leave a Comment