Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân ở bệnh nhân có tổn thương phổi thùy giữa điều trị tại khoa Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân ở bệnh nhân có tổn thương phổi thùy giữa điều trị tại khoa Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai”
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thuật ngữ “Hội chứng thùy giữa” được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1948 bởi Graham và cộng sự khi mô tả 12 trường hợp xẹp thùy giữa phổi phải thứ phát do quá phát hạch bạch huyết không do lao chèn ép vào phế quản thùy giữa [63], [40]. Hội chứng thùy giữa (HCTG) là một thuật ngữ giải phẫu – Xquang được mô tả là hình ảnh tổn thương trên Xquang với biểu hiện một đám mờ cạnh tim phải có kèm theo co kéo hoặc không co kéo các thành phần xung quanh như tim, trung thất, khoang liên sườn, cơ hoành. Về mặt giải phẫu, thùy giữa có cấu tạo đặc biệt, là một thùy yếu và rất dễ xẹp khi bị tắc nghẽn do hạch bạch huyết cạnh phế quản thùy giữa sưng to chèn ép, do viêm nhiễm, phù nề tăng tiết dịch trong lòng phế quản đồng thời với sự dẫn lưu dịch kém dẫn đến thùy giữa dễ bị xẹp, gây ra một vòng xoắn bệnh lý và khi đã xẹp phổi thùy giữa thì khó có thể giãn ra [68].
Triệu chứng của HCTG không đặc hiệu với ho, khò khè, đau ngực, sốt, rét run, khó thở, mệt mỏi và ho khạc ra máu…Nhiều trường hợp không có triệu chứng, việc chẩn đoán dựa vào các phim chụp Xquang phổi thường quy. Thăm khám lâm sàng có thể bình thường hoặc có thể thấy hội chứng đông đặc, có khi lại có triệu chứng của hội chứng 3 giảm. Chẩn đoán HCTG dựa trên các phim chụp phổi thẳng và nghiêng phải, trên phim thẳng là hình mờ xóa bờ phải tim (dấu hiệu hình bóng Felson) [67]. Mặc dù có rất nhiều bệnh lý liên quan đến HCTG nhưng thường ít được chẩn đoán. HCTG chỉ là triệu chứng Xquang của nhiều bênh lý như: viêm phổi, lao phổi, ung thư, giãn phế quản, nấm phổi, xẹp phổi. Vì vậy, chẩn đoán nguyên nhân gây nên HCTG là việc làm cần thiết để lựa chọn ra phương pháp điều trị thích hợp. 3 Phương pháp điều trị HCTG có thể bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Trước đây, tất cả các bệnh nhân có HCTG đều được điều trị ngoại khoa cắt bỏ thùy giữa [67]. Hiện nay xu hướng chủ yếu điều trị nội khoa phụ thuộc vào nguyên nhân.
Trên thực hành lâm sàng tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân nhập viện được chụp Xquang và/hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có hình ảnh tổn thương thùy giữa với hình thái tổn thương rất phong phú tùy theo nguyên nhân bệnh lý. Triệu chứng lâm sàng của hội chứng thùy giữa cũng không đặc hiệu, rất đa dạng, có nhiều căn nguyên và dễ nhầm các bệnh lý với nhau, đòi hỏi có những nghiên cứu sâu hơn về lâm sàng, cận lâm sàng theo nguyên nhân của tổn thương thùy giữa với hy vọng định hướng chẩn đoán xác
định và thiết lập quy trình điều trị những trường hợp này. Xuất phát từ tình hình thực tế này, chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân ở bệnh nhân có tổn thương phổi thùy giữa điều trị tại khoa Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai” với 2 mục tiêu:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân có tổn thương thùy giữa.
2. Nghiên cứu một số nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân có tổn thương thùy giữa.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích