Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị những bệnh nhân bị viêm phổi mắc phải từ cộng đồng ở bệnh nhân nghiện rượu đến cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai
Viêm phổi mắc phải từ cộng đồng (VPCĐ) là bệnh lý thường gặp, có tỉ lệ tàn phế và tử vong cao, nhất là ở bệnh nhân nằm viện. Tính lệ chung có khoảng 8-15 trên một nghìn người mắc. Ở Mỹ, VPCĐ ảnh hưởng 4 triệu người mỗi năm, trong số đó có 20% phải nhập viện để điều trị [19]. Chi phí điều trị VPCĐ tốn kém đã trở thành gánh nặng cho bệnh nhân và xã hội. Theo ước tính tại Hoa Kỳ chi phí hàng năm cho điều trị VPCĐ khoảng 9,7 tỷ USD. Tại khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai từ 1996-2000, viêm phổi chiếm 9,57% bệnh nhân nằm viện [2].
Mức độ nặng của VPCĐ liên quan đến tuổi, tình trạng miễn dịch và thói quen có hại như hút thuốc, nghiện rượu. Những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến VPCĐ bao gồm: nghiện rượu, hen phế quản, giảm miễn dịch và tuổi trên 70. Những người nghiện rượu nặng (ví dụ, mức tiêu thụ khoảng trên 100g ethanol một ngày trong 2 năm), có tỷ lệ mắc viêm phổi do vi khuẩn Gram (-) cao hơn, triệu chứng lâm sàng nặng hơn và cần một liệu trình kháng sinh đường tĩnh mạch dài hơn so với nhóm không uống rượu. Về mặt lâm sàng các triệu chứng sốt kéo dài hơn, tiến triển chậm hơn và tỷ lệ viêm mủ màng phổi cao hơn được ghi nhận ở các bệnh nhân nghiện rượu mắc viêm phổi do phế cầu so với nhóm không nghiện rượu. Viêm phổi ở bệnh nhân nghiện rượu, tỷ lệ tử vong cao trên 60%, và dễ dẫn đến ARDS [51], [60], [63].
Sử dụng rượu trên thế giới tăng cao trong vài thập kỷ gần đây, tác hại bệnh lý của rượu đã được tổ chức y tế thế giới xếp sau các bệnh tim mạch, ung thư [10], [55]. Ở Việt Nam, gần đây rượu được sử dụng rộng rãi và đã trở thành vấn nạn cho xã hội và y tế [1], [3], [9]. Rượu ảnh hưởng lên hệ miễn dịch, bao gồm hệ miễn dịch tại phổi, làm giảm chức năng của đại thực bào phế nang, các bạch cầu đa nhân, các cytokin [20], [21], [22], [61], [46].
Do vậy việc xác định sớm các bệnh nhân có nguy cơ cao bị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng nặng là rất quan trọng để các bác sĩ có thể đưa ra chiến lược điều trị phù hợp với bệnh nhân, ví dụ nhập đơn vị Hồi sức tích cực sớm.
Trên thế giới đã có một số nghiên cứu đánh giá về sự ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu với các nguyên nhân gây viêm phổi và độ nặng của viêm phổi. Tuy nhiên, Việt nam có ít nghiên cứu về vấn đề này. Gần đây tỷ lệ bệnh này ngày càng tăng và việc điều trị vẫn còn khó khăn, nên việc nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, các rối loạn cận lâm sàng và xử trí viêm phổi ở bệnh nhân nghiện rượu đang trở thành vấn đề có tính thời sự và cần thiết.
Vì lý do trên, chúng tôi tiến hành đề tài Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị những bệnh nhân bị viêm phổi mắc phải từ cộng đồng ở bệnh nhân nghiện rượu đến cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai.
nhằm mục tiêu sau:
1. Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của viêm phổi cộng đồng ở bệnh nhân nghiện rượu.
2. Đánh giá về điều trị và mức độ nặng, chỉ định nhập khoa Hồi sức
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích