Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng sử dụng laser holmium tại bệnh viện Việt Tiệp
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng sử dụng laser holmium tại bệnh viện Việt Tiệp/ Nguyễn Hữu Tuấn. 2014.Sỏi tiết niệu là bệnh lý khá phổ biến trong số các bệnh lý tiết niệu đã được biết đến từ lâu. Trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh hàng năm là 81,3- 300/100.000 nam giới và 29,5-100/100.000 nữ giới với xu hướng ngày càng gia tăng [65], [66]. Trong sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản thường đứng thứ 2 sau sỏi thận, chiếm tỷ lệ khoảng 28,31% [10]. Sỏi có thể nằm ở đoạn 1/3 trên, 1/3 giữa hay 1/3 dưới của niệu quản. Sỏi có thể kết hợp với nhiều sỏi ở vị trí khác nhau của đường tiết niệu, số lượng có thể 1 hoặc nhiều viên, có khi xếp thành 1 chuỗi trong lòng niệu quản, hình trụ, xù xì hoặc nhẵn [1], [2].
Sỏi niệu quản là một bệnh cấp cứu trì hoãn do sỏi rất dễ gây ra các biến chứng như nhiễm khuẩn tiết niệu, ứ nước, ứ mủ thận, thậm chí có thể gây vô niệu hoặc suy thận dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Điều trị sỏi niệu quản hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp hiện đại như tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL – Extracorporeal shock wave lithotripsy), tán sỏi thận qua da (Percutaneous Nephrolithotripsy), và tán sỏi qua nội soi (Endo Uroscopic Lithotrypsy)… đã giải quyết 90% các trường hợp sỏi. Từ đó mổ lấy sỏi chiếm một vị trí nhỏ và ít được chỉ định trong can thiệp sỏi niệu quản [21].
Tại Việt Nam, nội soi niệu quản đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỉ 20. Tuy nhiên phải tới những năm đầu của thế kỷ 21, kỹ thuật này mới thực sự phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng trong điều trị sỏi niệu quản. Các dụng cụ để tán sỏi trước đây thường dùng là máy tạo khí nén hoặc thủy điện lực với bản chất là tạo ra các xung động cơ học, hoặc các sóng năng lượng thấp. Phương pháp tán sỏi nội soi với các dụng cụ này chỉ thực sự có hiệu quả với các sỏi có kích thước nhỏ, mới hình thành. Các trường hợp sỏi có kích thước lớn, thời gian tạo sỏi lâu, sỏi bám dính chặt vào niêm mạc thì phương pháp này thường thất bại. Khoảng 3 thập kỷ gần đây, sự phát triển các ứng dụng của Laser trong y học đã cho ra đời nhiều thế hệ máy tán sỏi Laser. Điều này đã làm cho phương pháp tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng trở nên ưu việt và là xu thế phát triển trong điều trị sỏi niệu quản.
Cuối năm 2009, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng có đủ điều kiện triển khai kỹ thuật nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng Laser Holmium, cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá sâu kết quả điều trị của phương pháp này. Để phục vụ người bệnh tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý sỏi niệu quản chúng tôi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng sử dụng Laser Holmium tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng” nhằm 2 mục đích:
1. Mô tả đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng sỏi niệu quản được điều trị bằng nội soi tán sỏi ngược dòng sử dụng Laser Holmium tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng từ 12/2013 đến 09/2014.
2. Đánh giá kết quả điều trị sớm sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa và 1/3 dưới bằng kĩ thuật nội soi tán sỏi ngược dòng sử dụng Laser Holmium.