NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG Ở BỆNH NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP TRÊN VÀ DƯỚI 65 TUỔI

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG Ở BỆNH NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP TRÊN VÀ DƯỚI 65 TUỔI

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG Ở BỆNH NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP TRÊN VÀ DƯỚI 65 TUỔI

Nguyễn Văn Tân*, Nguyễn Văn Trí*
TÓM TẮT :
Cơ sở: Biểu hiện lâm sàng nhồi máu cơ tim cấp ở người cao tuổi thường thay đổi nên việc chẩn đoán bệnh thường dễ bị bỏ sót. Có hay không sự khác biệt về các đặc điểm lâm sàng nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện chưa có nghiên cứu nào đầy đủ về các đặc điểm lâm sàng NMCT cấp ở bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi.
Mục tiêu: Xác định sự khác biệt trong các biểu hiện lâm sàng nhồi máu cơ tim cấp ở bệnh nhân trên và dưới 65 tuổi.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 467 bệnh nhân NMCT cấp điều trị nội trú tại khoa Tim mạch Cấp cứu và Can thiệp- bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 2 năm 2009 đến tháng 7 năm 2012 được đưa vào nghiên cứu. Các bệnh nhân trong mẫu nghiên cứu được chia thành hai nhóm: nhóm ≥ 65 tuổi có 310 bệnh nhân (66,38%), nhóm < 65 tuổi có 157 bệnh nhân (33,62%). Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp tiến cứu, mô tả và cắt ngang.
Kết quả: Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 69,18 ± 13,28 (nhỏ nhất là 32, lớn nhất là 99); trong đó tuổi trung bình ở nam là 66,90 ± 13,58 (nhỏ nhất là 32, lớn nhất là 99); tuổi trung bình ở nữ là 74,04 ± 11,20 (nhỏ nhất là 32, lớn nhất là 97) (p < 0,001). Tỷ lệ nam/nữ ở 2 nhóm tuổi có sự khác biệt (nhóm <6 5 tuổi là 4,23, nhóm ≥ 65 tuổi là 1,6 với p < 0,001). Các yếu tố nguy cơ mạch vành giữa hai nhóm: tỷ lệ tăng huyết áp ở nhóm ≥ 65 tuổi cao hơn so với nhóm <65 tuổi (75,16% so với 52,87%, với p < 0,001), hút thuốc lá ở nhóm < 65 tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn ≥ 65 tuổi (42,21% so với 14,24%, p < 0,001), tỷ lệ bệnh nhân bị béo phì chiếm khá cao ở nhóm < 65 tuổi so với nhóm ≥ 65 tuổi (22,93% so với 9,42%, với p < 0,001). Thời gian từ lúc khởi phát triệu chứng đến lúc nhập viện: số bệnh nhân <65 tuổi nhập viện ≤6 giờ chiếm 55,8%, cao hơn so với nhóm ≥ 65 tuổi chiếm 36,9%. Ngược lại, thời gian nhập viện > 6 giờ thì nhóm bệnh nhân ≥ 65 tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm < 65 tuổi, 63,1% so với 44,2%, với p < 0,001. Đặc điểm cơn đau ngực: bệnh nhân < 65 tuổi có biểu hiện cơn đau ngực điển hình hơn những bệnh nhân ≥ 65 tuổi (72,61% so với 36,13%, p < 0,001), còn tỷ lệ đau ngực không điển hình (20,38%) và không đau (7,01%) thì thấp hơn nhóm bệnh nhân ≥ 65 tuổi, các tỷ lệ đau ngực không điển hình và không đau ở nhóm ≥ 65 tuổi lần lượt là 34,19% và 29,68%, p <0,001. Những triệu chứng khác đi kèm bao gồm mệt chiếm tỷ lệ 84,48% ở nhóm ≥ 65 tuổi cao hơn 76,03% ở nhóm < 65 tuổi (p = 0,031). Vã mồ hôi gặp nhiều ở nhóm < 65 tuổi hơn (81,33% so với 72,53% ở nhóm ≥ 65 tuổi, với p = 0,044). Khó thở cũng thường gặp ở nhóm ≥ 65 tuổi hơn (76,04% so với 54,61% ở nhóm < 65 tuổi, với p < 0,001). Về phân độ Killip lúc nhập viện thì nhóm < 65 tuổi có Killip I chiếm đa số 75,33%, kế đến là Killip II 14%, Killip III và IV chiếm tỷ lệ ít hơn theo thứ tự là 8% và 2,67%; còn ở nhóm ≥ 65 tuổi Killip I chiếm 55,91%, kế đến là Killip II 26,52%, Killip III và IV là 12,19% và 5,38%, tỷ lệ Killip II, III và IV cao hơn so với nhóm < 65 tuổi với p = 0,001.

Kết luận: Có sự khác biệt trong các biểu hiện lâm sàng của NMCT cấp ở những bệnh nhân ≥ 65 tuổi so với bệnh nhân < 65 tuổi. Những bệnh nhân ≥ 65 tuổi thường có đau ngực không điển hình, các triệu chứng không đặc hiệu như khó thở, mệt, không đau ngực cao hơn so với những bệnh nhân < 65 tuổi. Bệnh nhân ≥ 65 tuổi bị NMCT cấp thường nhập viện trễ hơn và có phân độ Killip nặng cao hơn so với bệnh nhân < 65 tuổi

 

Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn, cũng như mở ra con đường nghiên cứu, tiếp cận được luồng thông tin hữu ích và chính xác nhất

Leave a Comment