NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG CỦA TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI TRÊN BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH
ĐỀ TÀI CƠ SỞ NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG CỦA TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI TRÊN BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH TẠI KHOA HÔ HẤP BỆNH VIỆN BẠCH MAI.Tràn khí màng phổi là một bệnh lý xảy khá thường gặp, trong nhiều trường hợp đòi hỏi phải được xử trí nhanh để loại bỏ khí trong khoang màng phổi đặc biệt khi TKMP nhiều, nếu không bệnh nhân có thể bị suy hô hấp và tử vong.
Tỷ lệ nhập viện mỗi năm do TKMP tự phát ở Anh là 16,7/100.000 đối với nam và 5,8/100.000 đối với nữ. Tỷ lệ tử vong mỗi năm là 1,26/1 triệu dân với nam và 0,26/1 triệu dân với nữ từ năm 1991 đến năm 1995 [12]. Tỷ lệ TKMP tự phát tái phát ước tính 23-50% sau lần TKMP đầu tiên và cao hơn ở những lần tái phát sau.
Ở Việt Nam, theo Nguyễn Văn Thành và Đào Kỳ Hưng trong tổng kết tình hình bệnh phổi tại khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai trong 5 năm 1990-1994 thấy rằng: hằng năm có từ 20 đến 30 bệnh nhân TKMP vào khoa điều trị chiếm tỷ lệ hơn 3%. Theo Hoàng Minh (1994) theo dõi bệnh nhân vào khoa Cấp cứu bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương trong 5 năm (1990-1994) thấy có 946 bệnh nhân TKMP chiếm 20,12% tổng số bệnh nhân trong khoa (tỷ lệ trung bình mỗi năm là 4,02%) [10].
Bệnh nhân TKMP ngày càng gặp nhiều hơn, triệu chứng lâm sàng, X- quang và nguyên nhân ngày càng đa dạng hơn. Hiện nay, vấn đề TKMP trên bệnh nhân BPTNMT đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước quan tâm nhưng nghiên cứu về lâm sàng và cận lâm sàng vẫn luôn là vấn đề thời sự mà nhất là sự gia tăng không ngừng của bệnh BPTNMT. Vì thế, việc nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của TKMP trên bệnh nhân BPTNMT là hÕt sức cần thiết giúp cho việc chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời vì tiên lượng của TKMP trên những bệnh nhân nhày thường khá nặng. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành đề tài nhằm mục đích:
1. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng của tràn khí màng phổi trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai.
2. Nghiên cứu đặc điểm cận lâm sàng của tràn khí màng phổi trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai.
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1. Giải phẫu, mô học, sinh lý khoang màng phổi [5]
1.1. Giải phẫu màng phổi
Màng phổi (MP): MP là bao thanh mạc bọc quanh phổi, gồm có: lá thành và lá tạng. Giữa hai lá thành và lá tạng là một khoang ảo được gọi là khoang màng phổi. Tổng diện tích của hai lá màng phổi ở mỗi bên là 1m2.
• Lá tạng phủ toàn bộ bề mặt nhu mô phổi trừ rốn phổi. Lá tạng lách vào khe liên thùy và ngăn các thùy với nhau. Mặt trong lá tạng dính chặt vào phổi, mặt ngoài lá tạng nhẵn bóng áp vào lá thành.
• Lá thành bao phủ mặt trong của thành ngực, cơ hoành, trung thất và liên tiếp với lá tạng ở rốn phổi tạo nên dây chằng tam giác đi từ rốn phổi tới cơ hoành. Lá thành quấn lấy phổi, dính vào các vùng xung quanh phổi tạo nên các túi cùng (góc): góc sườn hoành, góc sườn trung thất trước, góc sườn trung thất sau, góc hoành trung thất.
Khoang MP: là một khoang ảo. Hai lá thành và lá tạng của MP áp sát nhau và có thể trượt nên nhau dễ dàng lúc hít vào hay thở ra.
Phân bố mạch máu:
• Tưới máu lá tạng do các nhánh của động mạch phổi. Các mao tĩnh mạch đổ về các tĩnh mạch phổi, riêng ở rốn phổi mao tĩnh mạch đổ về tĩnh mạch phế quản.
• Tưới máu lá thành do động mạch vú trong, động mạch liên sườn và động mạch hoành, các động mạch này đều xuất phát từ động mạch chủ. Các tĩnh mạch đổ về hệ tĩnh mạch Azygos và tĩnh mạch vú trong. Tĩnh mạch Azygos đổ về tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch vú trong đổ về tĩnh mạch không tên.
Phân bố bạch mạch: các bạch mạch dưới thanh mạc của cơ hoành có nhiều nhánh nối lớn đi xuyên cơ hoành. Do có sự nối thông này, khoang MP và ổ bụng có thể thông thương với nhau. Các quá trình bệnh lý trong ổ bụng có thể ảnh hưởng tới khoang MP. Hệ thống bạch mạch của MP còn tham gia vào sự dẫn lưu của các bạch mạch của nhu mô phổi. Do vậy, khi có bệnh lý ở khoang MP đều có ảnh hưởng tới nhu mô phổi và ngược lại.
Phân bố thần kinh: thần kinh của lá thành được phân nhánh từ thần kinh liên sườn, thần kinh X, thần kinh giao cảm, thần kinh hoành. Ngược lại, lá tạng được phân bố rất Ýt thần kinh (trừ khu vực các rãnh liên thùy). Bình thường lá thành và lá tạng không nhìn thấy được trên phim X-quang chuẩn. Trong TKMP quan sát được lá tạng MP khi nhu mô phổi bị xẹp lại do có không khí trong khoang MP.
1.2. Mô học màng phổi
Cấu trúc của màng phổi là màng liên kết từ trong ra gồm 5 líp [16]:
• Lớp biểu mô (còn gọi là lớp trung biểu mô vì có nguồn gốc từ trung bì): lớp này gồm các tế bào tựa lên một đáy dày 500 – 600 angstron, phía khoang màng phổi bào tương các tế bào nhô thành các lông dài 0,5 – 3 micromet.
• Lớp liên kết dưới trung mô: là lớp liên kết mỏng chứa các sợi liên võng và sợi chun mảnh, không có tế bào và mạch máu. Trong trường hợp bệnh lý lớp này dày lên và tăng sinh nhiều mạch máu.
• Lớp sợi chun nông: gồm những sợi chun khỏe, sợi lưới và các bó tạo keo.
• Lớp liên kết dưới MP: giàu tế bào, mạch máu, mạch bạch huyết, thần kinh, cấu trúc lỏng lẻo dễ tách.
• Lớp xơ chun sâu: lớp này dày hơn lớp dưới biểu mô, bao phủ phổi và thành ngực. Phía trong tiếp giáp với mô liên kết kém biệt hóa chứa nhiều mạch máu và mô bào.