NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM PHÂN TỬ CỦA TIỂU ĐƠN VỊ P33 – GENE VACA CỦA VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI TRÊN BỆNH NHÂN MẮC BỆNH DẠ DÀY TẠI BỆNH VIỆN 19-8, BỘ CÔNG AN
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM PHÂN TỬ CỦA TIỂU ĐƠN VỊ P33 – GENE VACA CỦA VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI TRÊN BỆNH NHÂN MẮC BỆNH DẠ DÀY TẠI BỆNH VIỆN 19-8, BỘ CÔNG AN
Phạm Thu Thùy1, Đỗ Thị Roan2, Nguyễn Thị Thu Hiền2
Nguyễn Thị Khuê2, Trần Thị Bình Nguyên3, Lê Công Toán3
Nguyễn Thị Dung4, Hoàng Thanh Tuyền1, Đoàn Thị Thanh Hương2
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá sự có mặt của gene CagA và VacA của 60 mẫu bệnh phẩm chứa vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là mảnh sinh thiết dạ dày của các bệnh nhân được chẩn đoán viêm loét dạ dày, loạn sản tế bào và ung thư dạ dày tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an bằng kỹ thuật multiplex-PCR. Đồng thời giải trình tự gene và phân tích đặc điểm phân tử vùng p33 của gene VacA của 8
chủng H. pylori thu nhận. Đối tượng và phương pháp: Mẫu nghiên cứu là các mảnh sinh thiết dạ dày có kết quả dương tính với kít Urease. DNA tổng số được tách chiết từ bằng bộ kít DNeasy Blood and Tissue Kits và được sử dụng làm khuôn cho phản ứng PCR để thu nhận vùng gene VacA chứa tiểu đơn vị p33.
Phân tích phả hệ nguồn gốc được thực hiện bằng chương trình MEGA10 với hệ số tin cậy 1000 bootstrap. Kết quả: Tỷ lệ các mẫu H. pylori có gene CagA dương tính là 81,6% (49/60 mẫu) và tỷ lệ các mẫu H. pylori có gene VacA dương tính là 100% (60/60 mẫu). Vùng gene VacA của 8 chủng H. pylori nghiên cứu có tỷ lệ đồng nhất từ 89,8 – 97,0% về nucleotide và 87,0 – 98,6% về amino acid. So sánh với các chủng của thế giới, các chủng H. pylori của Việt Nam có tỷ lệ đồng nhất về nucleotide và amino acid lần lượt từ 89,7 – 96,8% và 89,0 – 96,2%. Phân tích phả hệ nguồn gốc dựa trên trình tự nucleotide gene VacA cho thấy các chủng H. pylori của Việt Nam rất đa dạng về di truyền và thuộc các nhóm khác nhau.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com