NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM RỐI LOẠN SỰ THÍCH ỨNG VỚI PHẢN ỨNG TRẦM CẢM KÉO DÀI
NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM RỐI LOẠN SỰ THÍCH ỨNG VỚI PHẢN ỨNG TRẦM CẢM KÉO DÀI
Trần Nguyễn Ngọc1,2, Dương Minh Tâm1,2
1 Đại học Y Hà Nội
2 Viện Sức Khỏe Tâm Thần – Bệnh Viện Bạch Mai
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài. Bằng phương pháp mô tả cắt ngang ở 32 người bệnh điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán chính xác là rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài (F43.21) theo tiêu chuẩn chẩn đoán của ICD 10. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn người bệnh rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài gặp ở độ tuổi từ 20 – 29 và 30 – 39 (28,1% và 25%). Tuổi trung bình của nhóm người bệnh này là 30,9 ± 13,4. Sang chấn tâm lý trong nhóm nghiên cứu gặp nhiều nhất là những sang chấn gia đình (90,6%). Trong 3 triệu chứng chính của trầm cảm, có 100% triệu chứng giảm năng lượng và tăng mệt mỏi. Trong 7 triệu chứng phổ biến của trầm cảm, triệu chứng rối loạn giấc ngủ là triệu chứng thường gặp nhất với tỉ lệ 96,9% và có tới 81,3% người bệnh có ý nghĩ tự sát và 59,4% người bệnh đã có hành vi tự sát. Trong 8 triệu chứng cơ thể của trầm cảm thì triệu chứng tỉnh giấc vào lúc sáng sớm hơn 2 giờ là triệu chứng gặp nhiều nhất với tỉ lệ (96,9%).
Rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài (F43.21) là một trạng thái trầm cảm nhẹ xảy ra để đáp ứng lại tiếp xúc kéo dài với các tình huống gây stress nhưng trạng thái này không có thời gian kéo dài quá 2 năm kể từ khi tiếp xúc với sang chấn tâm lý xã hội. Những sang chấn tâm lý này không phải là loại bất thường hoặc có tính thảm họa như các mâu thuẫn giữa cá nhân, người thân yêu mất hoặc bị bệnh, thất nghiệp, khó khăn về kinh tế, hoặc bản thân bị.1Theo Kaplan –Sadock, tỷ lệ rối loạn sự thích ứng là 2-8% dân số chung.2Rối loạn sự thích ứng là một chẩn đoán rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên các người bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh. Theo một nghiên cứu tổng hợp của Mitchell và cộng sự, tỷ lệ chẩn đoán rối loạn sự thích ứng khoảng 15.4% ở khoa Chống đau –giảm nhẹ, khoảng 19.4% ở khoa Ung thư và khoa Huyết học.3Trong thực hành lâm sàng, chẩn đoán rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài vẫn còn khó khăn do dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của giai đoạn trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực trầm cảm. Tại Việt Nam, đã có một số đề tài nghiên cứu về các rối loạn rối loạn sự thích ứng nhưng chưa có đề tài nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài. Vì vậy với mong muốn làm rõ đặc điểm lâm sàng và bổ sung thêm dữ liệu về phản ứng trầm cảm kéo dài chúng tôi thực hiện nghiên cứu với mục tiêu “Mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài”
Nguồn: https://luanvanyhoc.com