Nghiên cứu đột biến gen APC ở bệnh ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình
Ung thư đại trực tràng là bệnh lý ác tính pho biến với khoảng 655.000 người chết trên thế giới mỗi năm. Ớ Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng là 7,5/100.000 dân, đứng hàng thứ 5 ở cả hai giới sau ung thư phế quản, dạ dày, gan và vú; ở nam giới, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi. Theo Nguyễn Văn Hiếu (2007), tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở nam nhiều hơn nữ [6].
Hầu hết ung thư đại trực tràng có liên quan đến các yếu tố nguy cơ ngoại sinh, chỉ một số ít yếu tố nguy cơ do di truyền. Ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình là một ung thư bắt nguồn từ bệnh đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis: FAP), là một bệnh di truyền trội với nhiều các polyp trong đại trực tràng. Các polyp này ban đầu là lành tính nhưng về sau có thể trở thành ác tính nếu không được điều trị. Bệnh sinh của ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình được cho là do đột biến của gen APC (adenomatous polyposis coli), một gen ức chế ung thư đa chức năng. Tuy ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1% trong ung thư đại trực tràng nói chung nhưng có ý nghĩa quan trọng vì đây là bệnh có khả năng di truyền cao.
Gen APC (adenomatous polyposis coli gene) là một gen ức chế khối u đa chức năng nằm trên nhánh dài vingf 2 băng 1 nhiễm sắc thể số 5. Sản phẩm của gen APC là một protein gồm 2.843 acid amin, có khả năng gắn với nhiều loại protein khác nhau như ß-catenin, Axin, CtBP, Asef, IQGAP1, EB1 và với nhiều vi cấu trúc hình ống. Groden và cộng sự (1991), Powel và cộng sự (1992), Ross và Groden (2000) đã chỉ ra rằng đột biến gen APC là một trong những nguyên nhân gây bệnh đa polyp tuyến gia đình và ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình [58], [59], [102].
Bệnh ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình là bệnh lý di truyền. Tỷ lệ đột biến gen APC trong các gia đình FAP khá cao, chiếm 80¬85% [46], [54]. Do vậy, việc xác định các đột biến ở gen APC ở các thành viên của gia đình bệnh nhân góp phần theo dõi và phát hiện sớm các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, định hướng trong chan đoán và điều trị dự phòng nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Đột biến dòng tế bào sinh dục (germline mutations), đột biến được phát hiện ở các tế bào bạch cầu là đột biến phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 85% tổng số đột biến của gen APC. Theo González S (2005) và Michils G (2005), các đột biến điểm được phát hiện thấy ở 60-70% bệnh nhân FAP [56], [84]. Đột biến mất đoạn lớn được xác định ở 10-15% bệnh nhân [56], [84], [95]. Nuria Gosmez-Fernandez (2009), Jian-Qiu Sheng (2010) dùng kỹ thuật giải trình tự gen kết hợp với kỹ thuật MLPA hoặc Realtime PCR để xác định đột biến mất đoạn gen, lặp đoạn [71], [99]. Exon 15 là vùng hay xảy ra đột biến nhất chiếm khoảng 90% đột biến dòng tế bào sinh dục của gen APC chính vì vậy các nhà khoa học thường tập trung xác định đột biến ở exon 15 [61],[71], [99].
Ớ Việt nam hiện chưa có nghiên cứu nào được tiến hành để xác định các đột biến ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình. Xuất phát từ thực tiễn đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đột biến gen APC ở bệnh ung thư đại trực tràng thể đa polyp tuyến gia đình” nhằm hai mục tiêu:
1. Xác định đột biến trên exon 15 gen APC ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng thể đapolyp tuyến gia đình.
2. Phát hiện các đột biến trên exon 15 gen APC ở các thành viên có quan hệ huyết thống với bệnh nhân mang gen đột biến.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích