Nghiên cứu gánh nặng tử vong ở khu vực miền Trung Việt Nam

Nghiên cứu gánh nặng tử vong ở khu vực miền Trung Việt Nam

1. Quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế, xã hội cũng như mô hình bệnh tật của của đất nước. Kết quả của quá trình đó đã đưa tuổi thọ trung bình của Việt Nam ngang bằng một số nước có nền kinh tế phát triển [24; 52].

Trong quá trình đổi mới và phát triển cũng đồng thời phát sinh những tồn tại làm hạn chế đến sức khoẻ nhân dân nói chung, người lao động nói riêng. Đó là kết quả của quá trình công nghiệp hoá, đặc biệt là sự phát triển của công nghiệp nhẹ, nông nghiệp đã kéo theo sự ô nhiễm môi trường do sự tồn tại của nền công nghiệp cũ lạc hậu chưa kịp đổi mới gây nên. Ngoài ra, ở nước ta còn hậu quả của cuộc chiến tranh hoá học đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng và tiếp tục ảnh hưởng lên sức khoẻ của nhân dân. Huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định là một trong những vùng không chỉ bị ô nhiễm bởi các chất diệt cỏ do bị rải mà còn từ kho tàng lưu trữ tại sân bay Phù Cát trong chiến tranh vẫn theo thời gian tiếp tục gây ô nhiễm ra xung quanh và ảnh hưởng lên sức khoẻ nhiều thế hệ.

Nghiên cứu tử vong và gánh nặng bệnh tật (Burden of Deseases: BoD) nói chung có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá hoạt động của y tế cũng như tình hình kinh tế, xã hội và môi trường từng khu vực hay quốc gia. Thông qua đánh giá gánh nặng bệnh tật (DALY: Disability Adjusted Life Years) bao gồm gánh nặng tử vong (YLL: Years of Life Lost) và những năm phải sống với bệnh tật (YLD: Years lived with Disability) đã và đang được áp dụng khá phổ biến trên Thế giới cũng  như khu vực. Công cụ được sử dụng trong nghiên cứu mô hình tử vong đã được xây dựng dưới dạng bộ câu hỏi để điều tra hồi cứu về nguyên nhân tử vong được gọi là “Giải phẫu lời nói ” (Verbal Autopsy). Công cụ này được nhiều quốc gia áp dụng trong đó có Việt Nam. Để đánh giá gánh nặng tử vong và dị tật bẩm sinh chúng tôi tiến hành “Nghiên cứu gánh nặng tử vong ở khu vực miền Trung Việt Nam” với mục tiêu.

Điều tra gánh nặng tử vong ở huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định theo chỉ số

YLL (Years Lost Life) từ năm 2002 đến 2006.

Xác định tần suất dị tật bẩm sinh trên toàn huyện từ 2002 đến 2006.

2. TỔNG QUAN

2.1. Tình hình nghiên cứu gánh nặng bệnh tật

Gánh nặng bệnh tật đang được cộng đồng Quốc tế quan tâm và đã có những đánh giá gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD: Global Burden of Disease) để có chiến lược thích hợp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như tăng tuổi thọ cho con người. Quá trình đánh giá gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu đã phát triển trải qua một số giai đoạn. Giai đoạn một nhằm xem xét những ưu tiên trong lĩnh vực y tế khởi đầu vào năm 1988 của ngân hàng Thế giới. Giai đoạn này tập trung giới thiệu về chỉ số DALY và những tiêu chuẩn ước lượng số tử vong theo nguyên nhân. Giai đoạn hai (1993) không chỉ ước lượng số tử vong mà còn cả số bệnh tật được thể hiện trong báo cáo của ngân hàng Thế giới về “đầu tư cho y tế”. Giai đoạn ba đánh giá những ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển y tế ở các nước đang phát triển. Đồng thời mở rộng việc đánh giá gánh nặng theo các yếu tố nguy cơ chọn lọc (1996). Có thể gọi giai đoạn bốn tiếp theo là giai đoạn tập trung vào đánh giá gánh nặng bệnh tật toàn cầu và theo từng khu vực.

Ở một số nước trên Thế giới cũng đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá gánh nặng bệnh tật và xác định các yếu tố nguy cơ chính trên cơ sở đó có kế hoạch giải quyết ưu tiên từng vấn đề theo khả năng nguồn lực của mình. Ngoài các yếu tố nguy cơ chính mà kết quả các nghiên cứu đã nêu ra như các bệnh tim mạch, cao huyết áp, thuốc lá, nghiện rượu thì ô nhiễm môi trường do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (Persistent Organic Pollutants: POPs) hiện nay là vấn đề đang được nhiều nước quan tâm. Trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở các nước phát triển thì quá trình sản xuất của công nghiệp đóng vài trò chính, đặc biệt các nhà máy sản xuất hoá chất. Đối với khu vực các nước đang phát triển khác thì ngoài vấn đề ô nhiễm do quá trình công nghiệp hoá cũng như do thiết bị lạc hậu còn có hậu quả của chiến tranh. Bên cạnh gánh nặng bệnh tật còn có gánh nặng do thương tích gây nên đã làm giảm thể chất cũng như tuổi thọ của con người.

Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật (DALY) nhằm mô tả tình hình bệnh tật và tử vong để giúp cho các nhà quản lý, đặc biệt các nhà hoạch định chính sách y tế thấy được cần phải tiến hành can thiệp như thế nào để tăng cường hệ thống y tế và làm giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật. Để đạt được mục đích của những can thiệp đó thường là các hoạt động, các chiến dịch vận động của y tế hoặc thực hiện các dịch vụ CSSK. Vấn đề gánh nặng bệnh tật chưa được nghiên cứu nhiều ở nước ta. Các nghiên cứu chủ yếu điều tra tình hình bệnh tật hoặc mô hình bệnh tật từng khu vực khác nhau. Trong thời gian gần đây, GS. TSKH Lê Nam Trà đã chủ trì nghiên cứu “Xây dựng và đánh giá phương pháp nghiên cứu mô hình bệnh tật và tử vong người Việt Nam những năm đầu thập kỷ XXI” [26]. Trường Đại học Y tế công cộng cũng đã chủ trì nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh giá gánh nặng bệnh tật qua số liệu tử vong tại An Hải – Hải Phòng năm 2000 bằng chỉ số YPLL (Years of Potential Life Lost: số năm sống tiềm tàng bị mất) [1]. Kết quả nghiên cứu cho thấy gánh nặng bệnh tật tập trung vào nhóm người trong độ tuổi lao động và nhóm tuổi trẻ em từ 0 – 4 tuổi.

Lê Cự Linh và cộng sự (1999) nghiên cứu đánh giá gánh nặng bệnh tật thông qua số liệu tử vong tại Chí Linh cũng cho thấy chấn thương là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Ngoài ra là chết chu sinh, tim mạch và một số nguyên nhân thông thường khác [15; 16; 17].

Về tỷ lệ dị tật bẩm sinh tăng cao trong nhiều năm qua ở một số khu vực miền Trung và miền Nam. Tuỳ theo từng thời kỳ, số liệu cho thấy có sự thay đổi rõ rệt. Theo điều tra của Trần Mạnh Hùng và cộng sự ở một số khu vực của A Lưới, tỷ lệ này có thể dao động 2,1 – 2,5% (trước năm 1960) nhưng trong giai đoạn 1961 – 1974, tỷ lệ này là 5 – 9,7%. Nếu so sánh chỉ những trường hợp trẻ đẻ ra sống thì tỷ lệ trẻ dị tật bẩm sinh tương ứng các giai đoạn trên là 2,3% và 6,5%. Một số điều tra mới đây tại Phù Cát tỉnh Bình Định (GS.TS. Trịnh Văn Bảo – 2003) cho thấy tỷ lệ dị tật bẩm sinh tăng cao (4,6%) và trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với bản thân nạn nhân mà còn là gánh nặng đối với gia đình và xã hội [5].

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment