Nghiên cứu giá trị của nội soi màng phổi trong chẩn đoán và điều trị tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi được định nghĩa là sự xuất hiện khí trong khoang màng phổi. Khái niệm này được Itard đề cập đến đầu tiên từ năm 1803, sau đó các triệu chứng lâm sàng được Laennec mô tả vào năm 1819 [9]. Tràn khí màng phổi được phân chia thành: TKMP tự phát và TKMP do chấn thương (bao gồm cả TKMP do các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị). TKMP tự phát bao gồm 2 loại: TKMP tự phát nguyên phát xảy ra ở người không có bệnh lý về phổi và thứ phát xảy ra ở những người có bệnh lý phổi, hay gặp nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tỷ lệ nhập viện mỗi năm do TKMP tự phát ở Anh là 16,7/100.000 với nam và 5,8/100.000 với nữ. Tỷ lệ TKMP tự phát tái phát ước tính 23 – 50% sau lần TKMP đầu tiên và cao hơn ở những lần tái phát sau.
Điều trị TKMP có 2 vấn đề cơ bản là: hút khí ra khỏi khoang MP và phòng ngừa tái phát. Đối với TKMP tái phát và TKMP hút dẫn lưu dài ngày không kết quả, thậm chí phải can thiệp phẫu thuật. NSMP ra đời cùng với sự phát triển của nó đã trở thành một phương pháp có hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị TKMP. Tại khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã gặp những BN TKMP tái phát và những BN TKMP hút dẫn lưu dài ngày không kết quả. Việc tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp để phòng ngừa tái phát TKMP cho những BN này là rất quan trọng. Do đó NSMP gây dính bằng bột talc đã được thực hiện ở nhiều BN và bước đầu cho thấy hiệu quả của phương pháp này. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm mục tiêu:
1. Nghiên cứu vai trò của nội soi màng phổi trong chẩn đoán và điều trị tràn khí màng phổi.
2. Nhận xét các tai biến của nội soi màng phổi và gây dính bột talc qua nội soi màng phổi trong điều trị tràn khí màng phổi.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Bao gồm 30 BN được chẩn đoán TKMP hút dẫn lưu khí không kết quả hoặc bị tái phát điều trị nội trú tại khoa Hô hấp bệnh viện Bạch Mai từ tháng 09/2003 đến tháng 10/2006.
– Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân vào nghiên cứu: BN được chọn vào nghiên cứu là những BN TKMP có chỉ định NSMP: TKMP tái phát
lần thứ 2; tiền sử TKMP đối bên; TKMP hút dẫn lưu sau 5 – 7 ngày không kết quả hoặc phổi không nở hoàn toàn; TKMP có hình ảnh bóng khí dưới màng phổi tạng trên phim chụp CLVT ngực lớp mỏng.
– Loại khỏi nghiên cứu những BN có chống chỉ định của NSMP: PaO2 < 60mmHg không do TKMP; rối loạn đông máu (tỷ lệ Prothrombin < 60% và/hoặc tiểu cầu < 50 Giga/l); có các bất thường về tim mạch: rối loạn nhịp tim, có biểu hiện bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, suy tim, bệnh van tim…; tình trạng huyết động không ổn định: mạch > 100 chu kỳ/ phút và/ hoặc huyết áp tâm thu < 90 mmHg; BN không đồng ý tham gia nghiên cứu.
2. Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu dọc, tiến cứu và hồi cứu.
Nghiên cứu tiến cứu: 15 BN từ tháng 9/2005 đến tháng 10/2006. Tất cả các BN đều được hỏi bệnh sử, tiền sử, thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng trước, trong và sau điều trị.
Nghiên cứu hồi cứu: 15 BN từ tháng 9/2003 đến tháng 8/2005. Nghiên cứu dựa trên các thông tin ghi nhận trong các bệnh án NSMP cho các bệnh nhân TKMP.Thông tin thu thập được ghi chép theo một mẫu bệnh án thống nhất.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích