NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ CỦA HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU PHỐI HỢP VỚI TẾ BÀO GỐC TỪ MÔ MỠ TỰ THÂN TRONG ĐIỀU TRỊ VẾT THƯƠNG MẠN TÍNH
NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ CỦA HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU PHỐI HỢP VỚI TẾ BÀO GỐC TỪ MÔ MỠ TỰ THÂN TRONG ĐIỀU TRỊ VẾT THƯƠNG MẠN TÍNH
Mục tiêu: đánh giá hiệu quả điều trị vết thương mạn tính của huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với tế bào gốc mỡ tự thân. Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu 30 bệnh nhân bị vết thương mạn tính, điều trị nội trú tại Trung tâm Liền Vết thương, Bệnh viện Bỏng Quốc gia từ tháng 3 – 2016 đến 7 – 2017. Tất cả bệnh nhân được tiêm hỗn dịch huyết tương giàu tiểu cầu và tế bào gốc mô mỡ tại chỗ vết thương, sau 1 tuần và 2 tuần lần lượt tiêm huyết tương giàu tiểu cầu. Xác định một số đặc điểm lâm sàng tại chỗ vết thương, làm hóa mô miễn dịch phản ứng PAS trước và sau ghép hỗn dịch. Kết quả: ghép huyết tương giàu tiểu cầu kết hợp với tế bào gốc mô mỡ giúp kích thích quá trình liền vết thương: giảm dịch tiết, kích thích quá trình biểu mô hóa, tạo tổ chức hạt. Số lượng mẫu có phản ứng PAS dương tính ở biểu bì và màng đáy tăng. Hàm lượng MMP-12 có xu hướng giảm dần sau điều trị. Kết luận: huyết tương giàu tiểu cầu phối hợp với tế bào gốc từ mô mỡ tự thân hỗ trợ quá trình liền vết thương mạn tính thông qua cải thiện tình trạng bờ mép và nền vết thương mạn tính.
Vết thương mạn tính (VTMT) đang ngày càng gia tăng, tương ứng với tỷ lệ già hóa dân số và biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, đặc điểm bệnh lý ở mỗi bệnh nhân (BN) khác nhau. Tại Mỹ, VTMT ảnh hưởng tới khoảng 3 – 6 triệu người với tỷ
lệ người > 65 tuổi chiếm 85%. Chi phí điều trị VTMT ước tính hàng năm khoảng 3 tỷ USD [1, 2].
VTMT có đặc trưng cơ bản là rối loạn quá trình tái tạo phục hồi trên nền bệnh lý toàn thân. Điều trị VTMT vẫn được coi là một thách thức của y học. Việc điều trị thường phức tạp, kéo dài, tốn kém và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa khác nhau. Hỗ trợ tế bào và các thành phần thúc đẩy quá trình tăng sinh và biệt hóa mô tại chỗ VTMT là một hướng điều trị mới tại trung tâm liền vết thương các nước phát triển. Hiện nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tế bào gốc (TBG) từ mô mỡ tự thân để điều trị VTMT cho kết quả khả quan. Việc phối hợp ghép khối mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu được cho là sẽ tạo nên tác động kép thúc đẩy quá trình liền vết thương.
Các yếu tố tăng trưởng của tiểu cầu thúc đẩy một loạt quá trình sắp xếp và sửa chữa như tăng thành phần trung mô và TBG tại vết thương. Sử dụng tiêm kết hợp TBG thu nhận từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu điều trị VTMT cho thấy huyết tương giàu tiểu cầu làm tăng tỷ lệ sống sót của mô mỡ hình thành sau khi ghép tế bào, tăng cường sản xuất collagen dưới da, giúp tăng cường khả năng tái tạo da, thúc đẩy quá trình liền vết thương [3, 4, 5].
Ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu hệ thống về phối hợp của hai liệu pháp này trong điều trị vết thương nói chung, VTMT tính nói riêng. Do đó, chúng tôi tiến hành đề tài nhằm với mục tiêu: Đánh giá hiệu quả điều trị của liệu pháp phối hợp huyết tương giàu tiểu cầu kết hợp với TBG từ mô mỡ tự thân trong điều trị VTMT