Nghiên cứu kết quả sàng lọc phát hiện ung thư phổi ở đối tượng trên 60 tuổi có yếu tố nguy cơ bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp
Nghiên cứu kết quả sàng lọc phát hiện ung thư phổi ở đối tượng trên 60 tuổi có yếu tố nguy cơ bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp.Ung thư¬ phổi (UTP) là một trong những bệnh ung thư th¬ường gặp. Bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư, đa số gặp ở những người cao tuổi đặc biệt độ tuổi trên 60. Tại Việt Nam, năm 2018 tỉ lệ mắc và tử vong do UTP ở đối tượng trên 60 tuổi xếp hàng thứ nhất với khoảng 13.680 ca mới mắc và 12.818 ca tử vong [1]. Phần lớn UTP liên quan đến hút thuốc lá và hút thuốc thụ động và có trên 80% UTP được phát hiện ở giai đoạn muộn, chỉ có khoảng 15% các trường hợp UTP được chẩn đoán có khả năng phẫu thuật, khi đã có di căn xa tỉ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 4% [2],[3]. Do vậy, các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm UTP lúc này đóng vai trò rất quan trọng để làm giảm tỉ lệ tử vong và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.
Sàng lọc là phương pháp để chẩn đoán sớm ung thư ở những đối tượng có nguy cơ cao [4]. Trong chẩn đoán sớm UTP, có vài phương pháp sàng lọc hiện nay đã và đang triển khai: chụp X quang, nội soi phế quản (NSPQ) huỳnh quang, xét nghiệm đờm, chụp cắt lớp vi tính (CLVT) liều thấp [5]. Phương pháp chụp X quang thường quy hiện nay được dùng phổ biến nhất, tuy nhiên phương pháp này có nhiều hạn chế đặc biệt là khó phát hiện các nốt mờ nhỏ dưới 10mm và những nốt mờ bị che lấp bởi xương sườn và bóng tim [6]. Các phương pháp như xét nghiệm đờm ít được sử dụng, NSPQ huỳnh quang là phương pháp chưa phát triển rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt là phương pháp chụp CLVT liều thấp.
Sàng lọc UTP bằng phương pháp chụp CLVT liều thấp hiện nay đang được sử dụng phổ biến trên thế giới. Đây là kỹ thuật thu ảnh lồng ngực bằng máy chụp CLVT, sử dụng liều phóng xạ thấp hơn so với liều chụp CLVT thường quy (liều phóng xạ khoảng từ 0,6 mSV đến 1,4 mSV) cho những bệnh nhân tuổi cao và hút thuốc nhiều hoặc tiếp xúc với các chất độc hại để chẩn đoán, phát hiện sớm các bệnh lý phổi, trung thất, thành ngực, đặc biệt có khả năng phát hiện các nốt mờ nhỏ mà chụp X quang thường quy không hoặc khó xác định được để chẩn đoán UTP [7].
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới từ lâu đã chứng minh hiệu quả của chụp CLVT liều thấp trong chẩn đoán sớm UTP. Theo nghiên cứu ELCAP từ năm 1993 đến 1998 ở 1000 bệnh nhân trên 60 tuổi, hút thuốc lá trên 10 bao-năm và không có tiền sử ung thư, các bệnh nhân này được chụp X quang thường quy và chụp CLVT liều thấp. Kết quả chỉ ra rằng chụp CLVT liều thấp phát hiện được nốt không canxi hóa gấp 3 lần so với chụp X quang thường quy. Ở 27 bệnh nhân được phát hiện UTP có 83% ở giai đoạn I, những ca ở giai đoạn I này không phát hiện được trên X quang thường quy [8]. Theo nghiên cứu của Henschke và cộng sự trên 31.576 trường hợp từ 1993 đến 2005, phát hiện 484 bệnh nhân UTP, trong đó có 412 ca UTP được phát hiện ở giai đoạn I khi chụp CLVT liều thấp, tỷ lệ sống 10 năm ước tính khoảng 88% [9]. Gần đây nhất năm 2018, nghiên cứu tại Pháp trên 516 ca được chụp CLVT liều thấp, kết quả phát hiện 11 ca ung thư và đều có chỉ định mổ: 6 ca giai đoạn IA, 2 ca giai đoạn IIB, 2 ca giai đoạn IIIA, 1 ca giai đoạn u tại chỗ [10].
Ở Việt Nam, hệ thống máy chụp CLVT có ở hầu hết các bệnh viện. Tại Bệnh viện Hữu Nghị đang sử dụng máy chụp CLVT Somatom 2 dãy đa chức năng kết hợp hệ thống truyền tải hình ảnh PACS lưu trữ lâu dài kết quả hình ảnh để theo dõi so sánh và đánh giá. Đồng thời đa phần bệnh nhân đến khám và nhập viện tại bệnh viện là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều yếu tố nguy cơ mắc UTP và đây còn là nơi thuận lợi việc theo dõi quản lý lâu dài. Hơn nữa, việc chẩn đoán UTP bằng phương pháp chụp CLVT liều thấp kết hợp với theo dõi và chẩn đoán mô bệnh học nốt mờ chưa được áp dụng và nghiên cứu tại Việt Nam. Do đó chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu kết quả sàng lọc phát hiện ung thư phổi ở đối tượng trên 60 tuổi có yếu tố nguy cơ bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp” với các mục tiêu sau:
1. Đánh giá kết quả sàng lọc phát hiện UTP bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp ở đối tượng trên 60 tuổi có yếu tố nguy cơ
2. Nghiên cứu kết quả áp dụng quy trình theo dõi chẩn đoán các nốt mờ ở phổi của bệnh viện Mayo Clinic – Hoa kỳ sau 3-6 tháng.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Quý Châu, Nguyễn Quốc Dũng (2019). Kết quả bước đầu sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi ở bệnh nhân cao tuổi có yếu tố nguy cơ bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp, Tạp chí Y học Việt Nam, 474(2), 57-61.
2. Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Quý Châu, Nguyễn Quốc Dũng (2019). Kết quả theo dõi sự thay đổi nốt mờ phát hiện trên chụp sàng lọc bằng cắt lớp vi tính liều thấp qua chụp cắt lớp vi tính thường quy. Tạp chí Y học Việt Nam, 474 (2), 112-116
Nguồn: https://luanvanyhoc.com