Nghiên cứu khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch (DLCO) ở người lao động tiếp xúc bụi silic
Nghiên cứu khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch (DLCO) ở người lao động tiếp xúc bụi silic
Nguyễn Ngọc Anh, Lê Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thanh Thảo, Lê Thị Hương, Tạ Thị Kim Nhung, Phạm Thị Quân, Nguyễn Thị Vinh
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Một nghiên cứu mô tả được thực hiện với mục tiêu đánh giá sự thay đổi – khuếch tán khí phế nang mao mạch ở 796 người lao động tiếp xúc trực tiếp bụi silic trong quá trình làm việc. Trước khi đo khuếch tán khí phế nang mao mạch (DLCO), đối tượng nghiên cứu đã được chụp Xquang ngực chẩn đoán bệnh bụi phổi silic, đánh giá chức năng hô hấp. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ người lao động có giảm DLCO là 3,1% (25/796); Nguy cơ suy giảm DLCO tăng khi tuổi tăng (p < 0,05); Nguy cơ suy giảm DLCO tăng khi tuổi nghề tăng (p > 0,05). Nguy cơ suy giảm DLCO ở nhóm mắc bệnh bụi phổi silic cao gấp 1,5 lần nhóm không mắc bệnh bụi phổi silic (p > 0,05). Nguy cơ giảm DLCO ở nhóm suy giảm chức năng hô hấp cao gấp 4,2 lần so với nhóm không suy chức năng hô hấp, (p < 0,05). Cần có những nghiên cứu với cỡ mẫu lớn, các đối tượng mắc bụi phổi silic các mức độ đa dạng hơn để đánh giá toàn diện chỉ số chức năng hô hấp ở người lao động tiếp xúc với bụi silic.
Sau khi các phế nang được thông khí phổi, bước tiếp theo của quá trình hô hấp là sự trao đổi (khuếch tán) khí oxi từ phế nang vào máu và sự khuếch tán khí dioxitcacbon theo hướng ngược lại là đi từ máu ra các phế nang. Nếu lượng không khí phổi chứa đựng được và lượng khí trao đổi từ phổi vào mao mạch càng nhiều đồng nghĩa chức năng của phổi còn nguyên vẹn. Ngược lại, nếu kết quả giảm sút khả năng cao phổi đã bị tổn thương.1 Bụi là yếu tố tác hại nghề nghiệp phổ biến trong lao động, khi bụi silic xâm nhập đường hô hấp có thể gây các tổn thương xơ hóa nhu mô phổi, làm giảm tổng dung tích phổi, từ đó có nguy cơ ảnh hưởng khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch. Một số nghiên cứu cho thấy, để tìm hiểu tác động sớm của bụi đến cơ quan hô hấp có thể đánh giá qua đánh giá khả năng khuếch tán khí CO qua màng phế nang mao mạch (DLCO).1,2Nghiên cứu của Amariei D.E. và cộng sự (2019) cho thấy các bệnh nhân xơ hóa phổi và khí phế thũng đều có giảm DLCO tương ứng.3 Nghiên cứu Preisser A.M và cộng sự (2011) cho thấy DLCO là phương pháp chẩn đoán nhạy hơn với độ chính xác tốt hơn để phát hiện những tác động ở phổi trong những người tiếp xúc với bụi amiang trong quá trình lao động. Với giá trị dự báo dương tính cao là 80% và độ đặc hiệu là 79%, DLCO có liên quan chặt chẽ với các biểu hiện của tổn thương qua hình ảnh Xquang của bệnh bụi phổi amiăng.43 Dujić Z. và cộng sự. (1992) cũng thấy DLCO giảm sớm ở các đối tượng tiếp xúc bụi amiang trong khi Xquang và chức năng hô hấp (CNHH) của đối tượng hoàn toàn bình thường.