NGHIÊN CỨU KHỚP CẮN Ở TRẺ EM NGƯỜI THÁI 12 TUỔI TẠI TỈNH SƠN LA

NGHIÊN CỨU KHỚP CẮN Ở TRẺ EM NGƯỜI THÁI 12 TUỔI TẠI TỈNH SƠN LA

NGHIÊN CỨU KHỚP CẮN Ở TRẺ EM NGƯỜI THÁI 12 TUỔI TẠI TỈNH SƠN LA.Khớp cắn là nền tảng và là xương sống của ngành Răng Hàm Mặt nói chung và chuyên ngành chỉnh hình răng mặt nói riêng. Khái niệm khớp cắn là khái niệm chung dùng để mô tả một vị trí hay một trạng thái tĩnh có tiếp xúc răng giữa hai hàm, trong đó các răng có sự tiếp xúc với nhau nhiều nhất, hai hàm ở vị trí đóng khít nhất và hàm dưới đạt được sự ổn định cơ học cao nhất. Nó là kết quả của sự tiếp xúc giữa bề mặt nhai của các răng hàm trên và hàm dưới [1].
 Khớp cắn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của con người, đây là một trong ba thành phần cấu tạo nên bộ máy nhai. Khớp cắn là sự tiếp xúc của các răng ở cung răng hai hàm. Vì các răng tiếp xúc với nhau trong các hoạt động chức năng nên cung răng đóng vai trò rất lớn trong hoạt động của bộ máy nhai, bao gồm nhai, nói, nuốt… Vấn đề tiếp xúc giữa các răng của hai cung hàm, hay nói khác đi là chức năng của cung hàm là chìa khóa đảm bảo cho sự lành mạnh và thoải mái của hệ thống nhai [2]. Ngoài ra cung răng còn góp phần tạo nên thẩm mỹ cho khuôn mặt của con người. Một cung răng đẹp kết hợp hài hòa với các yếu tố phần mềm góp phần mang lại nụ cười đẹp và tự tin cho con người. Chính bởi tầm quan trọng của nó mà đã có rất nhiều các nghiên cứu về cung răng cũng như đặc điểm khớp cắn, sự chen chúc răng hay tiêu chuẩn của một khớp căn lý tưởng là gì. 
 Từ năm 1920, Williams J.L. đã nghiên cứu đặc điểm hình thái và phân loại cung răng thành 3 loại hình dạng khác nhau bao gồm cung răng hình vuông, cung răng ovan và cung răng thuôn dài [3]. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng tỷ lệ các loại cung răng ở nam và nữ có sự khác nhau. Ở mỗi chủng tộc, dân tộc khác nhau cũng có sự khác nhau về tỷ lệ, đặc điểm của mỗi dạng cung răng. Hàm răng con người trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau bao gồm giai đoạn hàm răng sữa, giai đoạn hàm răng hỗn hợp và giai đoạn hàm răng vĩnh viễn. Mỗi giai đoạn ứng với một lứa tuổi khác nhau và mang những đặc thù về hình thái và kích thước. Lứa tuổi 12 là thời điểm bộ răng vĩnh viễn vừa được hoàn thiện, cũng là thời điểm bắt đầu tuổi dậy thì, là đỉnh tăng trưởng trong sự phát triển của xương hàm. Do vậy lứa tuổi này có vai trò quan trọng đặc biệt trong sự hình thành cung răng và bộ máy nhai. Đã có rất nhiều các nghiên cứu ở lứa tuổi này trên thế giới để từ đó đưa ra được các chỉ số về hình thái và kích thước cung răng [4],[5],[6]… Ở Việt Nam cũng đã có nhiều tác giả làm về đề tài này, song nhìn chung đó là những nghiên cứu nhỏ lẻ, cỡ mẫu chưa lớn, chưa thể mang tính khái quát đặc trưng cho người Việt Nam. Chính vì thế việc có một bộ số liệu đầy đủ và chính xác, phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc là một yêu cầu bức thiết được đặt ra.

Leave a Comment