NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN QUAN GIỮA NỒNG ĐỘ ADIPONECTIN, LEPTIN HUYẾT THANH VỚI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN QUAN GIỮA NỒNG ĐỘ ADIPONECTIN, LEPTIN HUYẾT THANH VỚI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
Trần Khánh Nga1, Lâm Đức Tâm2, Cao Ngọc Thành3, Phạm Văn Lình4
1 Nghiên cứu sinh Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế
2 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
3 Trường Đại học Y Dược Huế, Đại học Huế
4 Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Bên cạnh nghiệm pháp dung nạp đường, trong những năm gần đây, các nghiên cứu cũng tìm kiếm những dấu ấn sinh học khác nhằm dự đoán, tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK), trong đó được đề cập nhiều nhất là các adipokines do mô mỡ tiết ra. Ngoài vai trò dự trữ năng lượng, mô mỡ còn là một cơ quan nội tiết quan trọng điều hoà nhiều chức năng sinh học, thông qua việc sản xuất các hormone bao gồm adiponectin, leptin, yếu tố hoại tử khối u (TNFa) và resistin… Các nghiên cứu thấy rằng adiponectin và leptin là những dấu ấn sinh học tiềm năng trong tầm soát và chẩn đoán ĐTĐTK. Mục tiêu nghiên cứu: xác định mối liên quan giữa nồng độ adiponectin, leptin huyết thanh với bệnh đái tháo đường thai kỳ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu bệnh – chứng trên 106 thai phụ có tuổi thai từ 24 đến 28 tuần đến khám bệnh viện Phụ Sản thành phố Cần Thơ, trong đó có 51 thai phụ ĐTĐTK và 55 thai phụ không có ĐTĐTK theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2018. Định lượng adiponectin và leptin bằng phương pháp miễn dịch liên kết men (ELISA). Kết quả: Nồng độ adiponectin của nhóm thai phụ ĐTĐTK là 3,46 ±1,07 µg/ml, của nhóm thai phụ không có ĐTĐTK là 5,52 ±2,76 µg/ml, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê p<0,001. Nồng độ leptin của nhóm thai phụ ĐTĐTK là 8,69 ±6,80 ng/ml, của nhóm thai phụ không có ĐTĐTK là 7,52 ±4,52 ng/ml, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p=0,28). Kết luận: Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa nồng độ leptin huyết thanh với ĐTĐTK, nồng độ adiponectin thấp có liên quan đến nguy cơ mắc ĐTĐTK.
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp và đang có tốc độ phát triển nhanh. Cùng với tăng huyết áp, đái tháo đường là bệnh lý nội khoa thường gặp trong thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến tử suất và bệnh suất của mẹ và thai nhi. Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là đái tháo đường được chẩn đoán trong ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường típ 1, típ 2 trước đó [1]. ĐTĐTK được ghi nhận có tốc độ tăng nhanh trên toàn cầu, trong bối cảnh của gia tăng tỷ lệ béo phì và ĐTĐ típ 2 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp và đang phát triển. Bài tổng quan năm 2018 của nhóm tác giả KaiWei Lee cho thấy tỷ lệ trung bình chung của ĐTĐTK ở châu Á là 11,5% (KTC 95% 10,9–12,1) [8].Adiponectin và leptin chủ yếu được sinh ra từ tế bào mỡ, có thể có các hoạt động chống lại xơ vữa động mạch và kháng insulin. Leptin là hormone đầu tiên có nguồn gốc từ tế bào mỡđược phát hiện, là một polypeptid có trọng lượng phân tử 16 kDa,chứa 167 acid amin[5]. Adiponectin là một protein liên quan đến bổ thể tế bào mỡ 30kDa, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1995và được mã hóa bởi các gen ADIPOQ nằm ở vùng nhiễm sắc thể3q27. Các nghiên cứu cho thấy rằng sự thay đổi nồng độ của hai chất này có liên quan đến kháng insulin trong thời kỳ mang thai, điều này cho thấy adiponectin và leptin có góp phần vào cơ chế bệnh sinh kháng insulin của ĐTĐTK[9]. Như vậy, adiponectin và leptin có thể là những dấu ấn sinh học tiềm năngtrong tầm soát và chẩn đoán ĐTĐTK. Với mong muốn tìm hiều xem có hay không có mối liên quan giữa adiponectin và leptin với bệnh lý ĐTĐTK, chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu mối liên quan giữa nồng độ adiponectin và leptin huyết thanh với đái tháo đường thai kỳ” với mục tiêu nghiên cứu là xác định mối liên quangiữa nồng độ adiponectin, leptin huyết thanh với bệnh đái tháo đường thai kỳ
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Đái tháo đường thai kỳ, adiponectin
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế (2019), “Đại cương về bệnh đái tháo đường và đái tháo đường thai kỳ”, Tài liệu đào tạo liên tục dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ, NXB Hà Nội, tr.5-16.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com