Nghiên cứu mối tương quan giữa đặc điểm lâm sàng với một số chỉ số sinh lý nội sọ ở bệnh nhân chảy máu não 5 ngày đầu

Nghiên cứu mối tương quan giữa đặc điểm lâm sàng với một số chỉ số sinh lý nội sọ ở bệnh nhân chảy máu não 5 ngày đầu

Luận án tiến sĩ y họcNghiên cứu mối tương quan giữa đặc điểm lâm sàng với một số chỉ số sinh lý nội sọ ở bệnh nhân chảy máu não 5 ngày đầu.Đột quỵ não (ĐQN) là bệnh lý thường gặp và nặng nề nhất trong thực hành lâm sàng thần kinh, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba (sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư) trên thế giới [1]. Thách thức của đột quỵ trên toàn cầu rất lớn, với 16 triệu trường hợp đột quỵ và khoảng 6 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Hơn 2 thập kỷ qua, gánh nặng của đột quỵ đã tăng 26% [2]. Đột quỵ chảy máu não (CMN) chỉ chiếm 10 – 20%  tổng số trường hợp ĐQN nhưng có tỷ lệ tử vong và tàn tật cao nhất trong các thể đột quỵ, tỷ lệ tử vong chung của CMN trong 30 ngày đầu theo Hill M. và cộng sự là 27,4% và tỷ lệ tái phát là 2,4% mỗi năm [3]. 

Tăng áp lực nội sọ (TALNS) là một biến chứng nặng gặp ở các bệnh nhân ĐQN đặc biệt là những bệnh nhân CMN. TALNS là một cấp cứu cần phải được chẩn đoán sớm và có thái độ xử trí tích cực, nếu không xử trí kịp thời gây ra tổn thương não không hồi phục, để lại di chứng nặng nề. Ngày nay bên cạnh những phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp cắt lớp vi tính (CLVT) sọ não, cộng hưởng từ (CHT) sọ não để chẩn đoán chính xác, trong quá trình điều trị, việc theo dõi các chỉ số sinh lý nội sọ đã mở ra một hướng mới giúp các bác sỹ hồi sức cấp cứu và các bác sỹ chuyên khoa thần kinh có thể điều trị cho bệnh nhân CMN nặng rất hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế [4]. Trong thực hành lâm sàng, chẩn đoán và thái độ xử trí những trường hợp TALNS tương đối khó khăn nếu chỉ dựa vào lâm sàng và hình ảnh chụp CLVT. Ngoài việc thăm khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thì đo áp lực nội sọ (ALNS) ở bệnh nhân CMN là một phương pháp theo dõi chính xác và khách quan thường được áp dụng ở các nước phát triển. Theo dõi ALNS trên bệnh nhân CMN giúp phẫu thuật viên thần kinh cũng như bác sĩ hồi sức thần kinh đưa ra thời điểm quyết định chính xác về can thiệp ngoại khoa hay bảo tồn. Theo Raboel P. và cộng sự (2012) giám sát ALNS đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh và nội thần kinh [5]. Theo Swamy M. (2007) khi nghiên cứu trên 60 bệnh nhân CMN tự phát việc theo dõi ALNS giúp chọn lựa phương pháp điều trị tốt hơn là dựa trên thể tích ổ chảy máu [6]. Theo Raj K. (1981) đối với những bệnh nhân chấn thương sọ não (CTSN) nặng, việc giám sát liên tục tình trạng tổn thương thần kinh của não bộ đã trở thành một tiêu chuẩn vàng trong hầu hết các đơn vị chăm sóc thần kinh chuyên sâu. Theo dõi tình trạng não bộ của bệnh nhân bao gồm nhiều phương thức như giám sát ALNS, áp lực động mạch trung bình (MAP), oxy mô não (PbtO2), nhiệt độ của não (BTemp) [7]. Đo ALNS và áp lực tưới máu não (ALTMN) cho phép theo dõi và đánh giá chính xác theo thời gian thực những thay đổi áp lực và lưu lượng máu trong não. TALNS biểu hiện nặng nề trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát CMN, điều này thể hiện rất rõ trên phim chụp CLVT sọ não. Chính vì vậy, theo dõi ALNS và ALTMN cho phép các bác sỹ điều trị theo đích nhằm giảm ALNS và hỗ trợ tưới máu não ở bệnh nhân TALNS. Nhiều  nghiên cứu chỉ ra rằng theo dõi ALNS và ALTMN có thể giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân TALNS [8],[9]. Tại các nước phát triển, chỉ định đo ALNS, ALTMN khá rộng rãi. Tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về theo dõi ALNS, ALTMN ở bệnh nhân CMN.
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu mối tương quan giữa đặc điểm lâm sàng với một số chỉ số sinh lý nội sọ ở bệnh nhân chảy máu não 5 ngày đầu” với 2 mục tiêu sau:
1. Xác định áp lực nội sọ, áp lực tưới máu não ở bệnh nhân chảy máu não 5 ngày đầu.
2. Đánh giá mối tương quan giữa áp lực nội sọ, áp lực tưới máu não với một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân chảy máu não 5 ngày đầu.

Leave a Comment