Nghiên cứu một số chỉ số đông máu của phụ nữ mang thai

Nghiên cứu một số chỉ số đông máu của phụ nữ mang thai

Nghiên cứu một số chỉ số đông máu của phụ nữ mang thai.Thai nghén là giai đoạn sinh lý bình thường của người phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Khi có thai cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về giải phẫu, sinh lý và sinh hóa để đáp ứng với các tác động do thai và phần phụ của thai gây ra. Hệ thống tuần hoàn máu nói chung và hệ thống đông cầm máu nói riêng cũng có những thay đổi để đảm bảo điều hòa và phát triển của người mẹ và thai nhi. Tuy những biến đổi này có tính chất sinh lý song nó cũng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sinh mạng của phụ nữ mang thai cũng như thai nhi[1]. Vì vậy việc tìm hiểu đầy đủ những thay đổi của cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai, trong đó có các đặc điểm của hệ thống huyết học, sẽ giúp cho quá trình theo dõi thai nghén, xử trí bất thường trong thời kỳ mang thai được kịp thời, chính xác, tạo điều kiện cho thai nhi phát triển khỏe mạnh, an toàn.

Trong sản khoa, cầm máu tốt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thành công của một cuộc sinh nở, giúp giảm thiểu tối đa các tai biến trong sản khoa đặc biệt là băng huyết sau khi sinh. Chảy máu sau đẻ là một biến chứng thường gặp và rất nguy hiểm khi chuyển dạ, trong khi sinh và sau sinh, là nguyên nhân chính gây tử vong cho phụ nữ mang thai. Chảy máu sau đẻ được định nghĩa là chảy máu từ đường âm đạo với thể tích từ 500ml trở lên trong 24 giờ đầu tính từ lúc sinh con[2].Biến chứng nàychiếm tới 30% trong số các nguyên nhân gây tử vong cho phụ nữ mang thai ở châu Phi và châu Á [3]. Tỷ lệ tử vong do xuất huyết sau sinh của phụ nữ mang thai chiếm khoảng 3,4% ở Anh trong giai đoạn 2006-2008 [4] và 11,4% ở Mỹ trong giai đoạn 2006-2010 [5]. Ở Việt Nam, Thái Danh Tuyên khi nghiên cứu các chỉ số đông cầm máu trong tan máu miễn dịch cũng đã cảnh báo các nhà sản khoa về các rối loạn đông máu thường gặp ở phụ nữ mang thai[6]. Các xét nghiệm đông cầm máu trước sinh từ lâu đã được sử dụng nhằm mục đích giúp điều chỉnh các rối loạn đông máu trước khi sinh, đặc biệt các rối loạn đông máu ở sản phụ có nguy cơ cao như sản phụ bị tiền sản giật và tất cả các phụ nữ mang thai sinh mổ. Xét nghiệm đông cầm máu cũng giúp chẩn đoán và điều trị các biến chứng chảy máu trong và sau khi sinh [7].
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều tác giả như Liu XH, Jiang YM, Shi H và cộng sự [8], Cerneca F, Ricci G, Simeone R [9], Boehlen F và CS [10], Đoàn Thị Bé Hùng (2007) [11], Trần Thị Khảm (2008) [12], Hoàng Hương Huyền (2010) [7] nghiên cứu đặc điểm đông máu ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu của các tác giả nói trên dừng lại nghiên cứu đông máu của một thai kỳ.Các nghiên cứu mô tả đầy đủ sự biến đổi các chỉ số đông cầm máu trong toàn bộ thời kỳ mang thai lại chưa được thực hiện.Đặc biệt, các nghiên cứu có giá trị dự báo của một số biến đổi các chỉ số xét nghiệm đông cầm máu trong suốt thời kỳthai nghén và diễn biến sinh nở vẫn chưa được đề cập.Để góp phần làm rõ vấn đề này, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu một số chỉ số đông máu của phụ nữ mang thai” với các mục tiêu sau: 
1.    Mô tả đặc điểm một số chỉ số đông máu của phụ nữ mang thai qua các thai kỳ.
2.    Mô tả diễn biến một số chỉ số đông máu qua các thai kỳ và mối tương quan với một số đặc điểm của phụ nữ mang thai.    
Chương1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Sinh lý quá trình cầm máu
Cầm máu là những cơ chế nhằm hạn chế hoặc ngăn cản sự mất máu khi thành mạch bị tổn thương. Có nhiều cơ chế tham gia vào quá trình cầm máu hay người ta gọi là các giai đoạn cầm máu. Có ba giai đoạn của quá trình cầm máu là giai đoạn cầm máu thì đầu (bao gồm cơ chế co mạch tại chỗ và tạo nút tiểu cầu), giai đoạn đông máu huyết tương và giai đoạn tiêu sợi huyết (bao gồm co cục máu đông và tan cục máu đông).[13, 14]
1.1.1. Giai đoạn cầm máu thì đầu
Có hai cơ chế tham gia giai đoạn cầm máu ban đầu gồm co mạch tại chỗ và tạo nút tiểu cầu.
1.1.1.1. Các yếu tố tham gia trong quá trình cầm máu thì đầu
*Mạch máu: Về tổ chức học, nói chung mạch máu được tạo thành bởi 3 lớp vỏ đồng tâm gồm lớp nội mạc mạch máu, lớp dưới nội mạc, và lớp ngoại mạc [14].
* Tiểu cầu: Vùng ngoại vi của tiểu cầu gồm màng bào tương, hệ thống ống dẫn bề mặt, và hệ thống ống dẫn đậm đặc. Vùng bào tương của tiểu cầu có chứa nhiều protein giúp tiểu cầu thay đổi hình dạng, mọc giả túc, di động và tiết các hạt. Hai protein chính của hệ thống co rút là actin và myosin.Các hạt nội tiểu cầu gồm hạt đặc chứa can xi cũng như serotonin và các hạt nucleotid.Các hạt α chứa nhiều protein. Các protein huyết tương được chứa nhiều trong hạt α là protein dính (fibrinogen, yếu tố von Willebrand, fibronectin, thrombospondin), các protein đông máu (fibrinogen, yếu tố V) và các protein tiêu fibrin (ức chế hoạt hóa plasminogen, PAI-1).[14]

Leave a Comment