Nghiên cứu Một số đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng và điều trị ngoại khoa bệnh sỏi mật có biến chứng cấp tính ở người trưởng thành tại tỉnh Thái Bình

Nghiên cứu Một số đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng và điều trị ngoại khoa bệnh sỏi mật có biến chứng cấp tính ở người trưởng thành tại tỉnh Thái Bình

Luận án Nghiên cứu Một số đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng và điều trị ngoại khoa bệnh sỏi mật có biến chứng cấp tính ở người trưởng thành tại tỉnh Thái Bình.Sỏi mật là bệnh đã được biết từ lâu. Gentile de Folingo (1300) và Benevieni (1501) là những người đầu tiên phát hiện bệnh sỏi đường mật. Sau đó Charcot (1877) mô tả các triệu chứng chính của bệnh và mối liên quan giữa sỏi mật với nhiễm khuẩn. Sỏi mật là một bệnh lý khá pho biến, được thấy ở mọi nơi, ở các nước phát triển cũng như ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước, ngoài nước đề cập các khía cạnh khác nhau của bệnh: bệnh sinh, đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, cận lâm sàng, điều trị, bản chất sỏi, vấn đề nhiễm khuẩn và các biến chứng của sỏi mật…

về đặc điểm dịch tễ học, bệnh sỏi mật phụ thuộc nhiều yếu tố: vị trí địa lý, giống nòi, tập quán sinh hoạt, chế độ ăn uống, môi trường sống, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng đường ruột… Y văn của các nước Âu-Mỹ cho biết tỷ lệ hiện mắc sỏi mật trung bình 10 – 20% dân số, ở các nước châu Phi sỏi mật dưới 5%; chủ yếu gặp ở túi mật, còn sỏi OMC là do sỏi túi mật di chuyển xuống, bệnh sinh do rối loạn chuyển hoá cholesterol [126], [131], [132], [135], [136], [146], [155], [165], [168], [169], [171], [176], [183], [186].

Ớ Việt nam nói riêng và các nước Đông Nam Á, Châu Á nói chung các nghiên cứu trước đây cho thấy sỏi mật gặp dưới 10%, chủ yếu gặp sỏi ở đường mật chính và trong gan, bệnh sinh do giun đũa và nhiễm trùng đường mật, thành phần chính của sỏi là sắc tố mật. Cũng do đó mà bệnh lý sỏi đường mật ở các nước đông nam Á, châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng thường diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng và biến chứng thường rất nặng nề, tỷ lệ tử vong còn cao. Ngày nay nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật việc chẩn đoán và điều trị đã có rất nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây các nghiên cứu trong nước cũng như nước ngoài lại cho thấy sỏi mật có xu hướng giảm ở châu Âu, châu Mỹ; Ở các nước châu Á sỏi ống mật có xu hướng giảm, ngược lại sỏi túi mật lại có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ sỏi mật có biến chứng cấp tính vào viện điều trị vẫn cao, việc điều trị các biến chứng của sỏi mật còn là một vấn đề nan giải [3], [7], [12], [14], [35], [41], [43], [48], [51], [55],[57], [58], [62], [70], [72], [84], [94], [110].

Thái Bình là tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, dân số 1,8 triệu người trong đó hơn 90% sống bằng nghề nông, mức sống còn thấp. Hàng năm tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh sỏi mật đến khám và điều trị tại bệnh viện khá cao (250 – 300 bệnh nhân một năm) trong đó đa số đã có biến chứng (85,14%) [61]. Vì vậy việc nghiên cứu tình hình mắc sỏi mật trong cộng đồng, tìm hiểu các yếu tố liên quan đến bệnh sỏi mật, đánh giá kết quả điều trị ngoại khoa sỏi mật để từ đó tìm kiếm các biện pháp phòng chống, phát hiện và xử trí sớm bệnh sỏi mật nhằm hạn chế tỷ lệ mắc, tỷ lệ biến chứng và tử vong cho bệnh nhân là rất cần thiết và cấp bách. Xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu một số bệnh về gan mật trong cộng đồng dân cư của tỉnh Thái Bình, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này nhằm mục tiêu:

1. Xác định một số đặc điểm dịch tễ học và một số yếu tố nguy cơ bệnh sỏi mật ở người trưởng thành tại cộng đồng dân cư tỉnh Thái Bình.

2. Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, tổn thương bệnh lý đại thể hệ thống gan mật và đánh giá kết qủa sớm điều trị ngoại khoa bệnh sỏi mật có biến chứng cấp tính ở người trưởng thành tại bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Leave a Comment