Nghiên cứu một số thay đổi miễn dịch trong viêm não sởi ở người trưởng thành
Bệnh sởi ít phổ biến ở người trưởng thành đặc biệt là biến chứng viêm não. Theo các y văn, biến chứng viêm não chỉ gặp 0,1% trong số những bệnh nhân mắc sởi [5]. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong biến chứng viêm não sởi có thể lên đến 10% và những trường hợp sống sót thường để lại di chứng nặng như tâm thần hoặc động kinh [1]. Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh và những biến đổi miễn dịch học trong viêm não sau sởi vẫn là vấn đề bàn cãi. Mặc dù có bằng chứng về sự có mặt của virus trong nhu mô não, tủy sống, nhưng một số giả thiết cho rằng biến chứng viêm não của sởi là kết quả của quá trình đáp ứng miễn dịch thông qua các trung gian tế bào với protein myelin. Các nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy trong viêm não sởi có vai trò của các dòng tế bào CD4, CD8 [1, 4]. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về miễn dịch trong viêm não sởi vẫn còn hiếm. Vì vậy, đề tài này được thực hiện nhằm mục tiêu: Nghiên cứu một số chỉ số miễn dịch trong máu ở người trưởng thành viêm não sởi.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
1. Đối tượng
27 bệnh nhân, từ 16 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, được chẩn đoán xác định nhiễm sởi, trong đó 13 bệnh nhân có biến chứng viêm não (nhóm bệnh), và 14 bệnh nhân không có biến chứng (nhóm chứng), đã điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ tháng 12/2008 đến tháng 7/2010.
2. Phương pháp
Thiết kế nghiên cứu tiến cứu bệnh – chứng. Bệnh nhân nhóm chứng tương đồng với nhóm bệnh về 3 tiêu chí: Tuổi, giới, thời gian khởi phát của bệnh sởi. Tiến hành khai thác các thông tin cá nhân, các thông tin lâm sàng. Bệnh nhân viêm não được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế bằng gammaglobulin.
Tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm sởi: Sốt, phát ban và huyết thanh chẩn đoán sởi IgM dương tính.
Tiêu chuẩn chẩn đoán có biến chứng viêm não: Các biểu hiện tổn thương não (co giật, rối loạn ý thức, liệt, hôn mê…), kết quả phân tích dịch não tủy có thay đổi về sinh hóa v à tế bào.Tiêu chuẩn loại trừ: tổn thương não có liên quan với các nguyên nhân khác, hoặc không làm đủ các xét nghiệm theo yêu cầu của nghiên cứu.
Các chỉ số nghiên cứu: gồm Bạch cầu, hemoglobin, Tiểu cầu, ure, creatinin và một số chỉ số miễn dịch: CD45, CD19, CD3, CD4, CD8. Tỷ lệ CD4/CD8 và HLA-DR. Các chỉ số miễn dịch trong nghiên cứu được làm tại phòng sinh học phân tử, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Trường Đại học Oxford tại Hà Nội. Thời điểm đánh giá: Khi nhập viện và sau 3 ngày (nhóm bệnh).
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích