Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng tới xơ hóa cơ Delta tại Việt Nam năm 2006 – 2007

Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng tới xơ hóa cơ Delta tại Việt Nam năm 2006 – 2007

Xơ hoá cơ Delta có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Khi cơ Delta bị xơ hóa, nhiều động tác của khớp vai bị ảnh hưởng, đặc biệt là động tác khép cánh  tay vào  thân  mình. Nếu  tình trạng  xơ hóa kéo  dài  có  thể  gây  biến  dạng  xương bả  vai, cột sống và lồng ngực.

Trước  năm  1960, chưa có báo  cáo  nào  về xơ hóa  cơ Delta trong y văn  tiếng  Anh. Năm  1965, Sato báo  cáo  3 trường  hợp  xơ hóa  cơ Delta đầu tiên [10]. Từ đó đến nay nhiều trường hợp khác đã được  báo  cáo  từ  Ấn  Độ,  Nhật  Bản,  Đài  Loan, Trung Quốc [6,7,9]. Hầu hết các tài liệu đều thấy xơ hóa cơ Delta thường xảy ra sau tiêm các thuốc vào  vùng  cơ Delta mà  các  thuốc  thường  dùng  là kháng sinh, vitamin và thuốc giảm đau. Tuy nhiên các  kết  luận  về  xơ hóa  cơ Delta liên  quan đến tiêm thuốc vào vùng cơ Delta mới chỉ là giả thuyết mà chưa có nghiên cứu phân tích nào chứng minh giả thuyết này.

Tại Việt Nam, bệnh viện Nhi Trung ương trong năm 2005 đã tiếp nhận 170 trẻ, trong đó chỉ tính riêng trong tháng 7 – 9/2005 đã có 56 trẻ ở nhóm tuổi  > 10 tuổi  đến  khám  và  điều  trị xơ hóa  cơ Delta từ nhiều địa phương (Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ..). Theo số liệu báo cáo từ 30 tỉnh thành trong cả nước cho đến tháng 5/2006 đã có 10.000 bệnh nhân bị xơ hóa cơ Delta. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có tài liệu nào nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện về xơ hóa cơ Delta hoặc mô tả xơ hóa cơ Delta có liên quan đến tiêm thuốc kháng sinh hoặc tiêm chủng vaccin ngoại trừ nghiên cứu của Viện Nhi năm  2004 tại Hà Tĩnh [5] hoặc một số ít báo cáo lâm sàng về phẫu thuật trẻ em xơ hóa cơ Delta liên quan đến sau tiêm kháng sinh vào vùng cơ [3; 4]. Vì vậy đây là một công trình nghiên cứu khoa học theo phương pháp dịch tễ  học  nhằm  trả  lời  câu  hỏi  ”Những  yếu  tố nào  có thể ảnh  hưởng đến xơ hóa cơ Delta hiện nay ở  Việt  nam?”. Kết  quả  nghiên  cứu  sẽ  hình thành một số giả thuyết cho các nghiên cứu phân tích tìm yếu  tố  nguy cơ của  xơ hóa  cơ Delta tại Việt Nam. Mục tiêu:

Mô tả một số yếu tố ảnh hưởng đến xơ hóa cơ Delta ở Việt Nam năm 2006 – 2007.

I. ĐỐI   TƯỢNG   VÀ   PHƯƠNG   PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Địa điểm nghiên cứu

Chúng  tôi chọn 8 tỉnh theo chủ đích đưa vào nghiên  cứu  bao gồm  các  tỉnh thuộc  miền  bắc, miền trung và miền nam của Việt Nam, bao gồm:

4 tỉnh có thông tin về ca mắc xơ hóa cơ Delta là: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Tây và Hà Nội [5]

4 tỉnh chưa có thông tin về số ca mắc xơ hóa cơ Delta là: Lạng sơn, Đà nẵng, Cần thơ và Tiền Giang.

2. Đối tượng nghiên cứu

Người dân trong cộng đồng tại các địa phương được lựa chọn có độ tuổi từ 1 đến 60 tuổi tại thời điểm điều tra năm 2006 – 2007.

3. Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

4. Mẫu nghiên cứu

Cỡ mẫu và cách chọn mẫu cho nghiên cứu này đã được chúng tôi trình bày chi tiết tại bài báo về Thực  trạng  xơ hóa  cơ delta tại  Việt  Nam năm 2006 – 2007 [Tạp chí Nghiên cứu Y học số 4 năm 2008, Trường Đại học Y Hà Nội]. Chúng tôi đã điều  tra được  28.696 người  có  độ  tuổi  từ  1 – 60 tuổi, trong đó từ 1 – 20 tuổi là 14.159 người tại 24 huyện ở 8 tỉnh.

Nghiên cứu được tiến hành tại 8 tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Tiền Giang và Cần Thơ nhằm mục tiêu: mô tả các yếu tố ảnh hưởng đến bệnh xơ hoá cơ Delta tại Việt Nam năm 2006 – 2007. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu cắt ngang thăm khám lâm sàng 29696 người dân tuổi từ 1 – 60 theo mẫu khám lâm sàng và phỏng vấn trực tiếp theo bộ câu hỏi. Kết quả: phân tích đa biến cho thấy có mối liên quan giữa bệnh xơ hóa cơ delta với một số yếu tố sau: có tiêm kháng sinh vào vùng cơ delta khi trẻ ở độ tuổi 0–5 tuổi OR = 2,93 (CI95%: 1,43–5,8); loại kháng sinh streptomycin được tiêm ở giai đoạn 0 – 5 tuổi tại vị trí cơ delta và vùng tay OR = 45,2 (CI95%: 13,1 – 167); cơ địa có sẹo lồi OR = 73,4 (CI95%: 46,1 – 116,9). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về số lần tiêm kháng sinh cũng như tiêm vắc xin (vị trí, đường tiêm) với bệnh xơ hóa cơ Delta. Kết luận: Các yếu tố ảnh hưởng tới xơ hóa cơ Delta ở trẻ em là có tiêm kháng sinh vào vùng cơ delta khi trẻ có độ tuổi 0–5 tuổi hoặc 6 – 10 tuổi, loại kháng sinh streptomycin được tiêm ở giai đoạn 0 – 5 tuổi; cơ địa có sẹo lồi. Chưa tìm thấy mối liên quan giữa bệnh xơ hóa cơ Delta với tiêm vắc xin (vị trí, đường tiêm).
 

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment