Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ cao đối với xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B mạn tính bằng phân tích đơn biến và phân tích đa biến

Nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ cao đối với xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B mạn tính bằng phân tích đơn biến và phân tích đa biến

Việt Nam nằm trong vùng đại dịch của nhiễm virus viêm gan B (HBV: hepatitis B virus) trên thế giới. HBV cùng với virus viêm C và rượu là những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Ung thư gan là một trong năm loại ung thư phổ biến trên thế giới, hàng năm có trên 500.000 trường hợp ung thư gan mắc mới được phát hiện. Tại Việt Nam, ở nam giới ung thư gan đứng hàng thứ 3 sau ung thư phổi và ung thư dạ dày, ở nữ giới ung thư gan đứng hàng thứ 6 [1]. Ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính, xơ gan và ung thư gan được coi là những biến chứng, có tiên lượng nặng và tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, ngày càng có nhiều loại biệt dược mới xuất hiện, có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị xơ gan và ung thư gan. Tuy vậy trong lĩnh vực phòng và điều trị xơ gan, ung thư gan vẫn còn rất nhiều thách thức đối với y học, trên thực tiễn lâm sàng gặp rất nhiều trường hợp khó chẩn đoán

hoặc rất khó xử trí. Vấn đề phòng ngừa và ngăn chặn xơ gan, ung thư gan được coi là một trong các chiến lược y học cơ bản của nhiều nước, của nhiều hiệp hội y học. Trong đó, đánh giá và tìm ra các yếu tố nguy cơ cao đối với sự hình thành xơ gan, ung thư gan. Hay tìm ra các dấu ấn sinh học có giá trị chẩn đoán cao, giá thành không đắt, dễ áp dụng là những hướng nghiên cứu được nhiều nhà y học quan tâm.

Trong 6 tỷ người trên thế giới thì 1/3 (2 tỷ người) có tiền sử nhiễm HBV và hiện nay gần 400 triệu người nhiễm HBV mạn tính, 50% số người nhiễm HBV mạn tính là cư dân thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Kể từ khi Okamoto H đưa ra phân loại kiểu gen của HBV năm 1988 [6], sau đó Carman WF công bố nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra đột biến  trên vùng pre – core (tiền gen C) có liên quan đến quá trình ức chế tổng hợp kháng nguyên HBeAg vào năm
1989 [2]. Đến nay, đã có hàng ngàn nghiên cứu về kiểu gen của HBV, các đột biến trên vùng core– promoter (thúc đẩy của gen C) và vùng pre – core trong sự liên quan với sinh bệnh học và đáp ứng với điều trị được công bố trên các tạp chí y học quốc tế [3, 4, 5, 7, 8, 9]. Đến nay, vai trò đối với nguy cơ xơ gan và ung thư gan của yếu tố kiểu gen và đột biến trên vùng core – promoter của HBV chính thức được đưa vào các bản đồng thuận và hướng dẫn của các tổ chức Y học có uy tín trên thế giới như hiệp hội nghiên cứu bệnh lý gan của Hoa Kỳ (AASLD), hiệp hội nghiên cứu bệnh lý gan châu Á – Thái Bình Dương (APASL). HBV được chia làm 8 kiểu gen ký hiệu từ A đến H, hai kiểu gen cơ bản của HBV tại khu vực Đông Á là kiểu gen B và kiểu gen C. Trong đó khu vực Đông bắc Á (phía bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) tỷ lệ kiểu gen C nhiều hơn, khu vực Đông nam Á (phía nam Trung Quốc, Hongkong, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…) tỷ lệ kiểu gen B nhiều hơn khu vực Đông Bắc Á [4, 7, 8, 9]. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về kiểu gen, đặc biệt là các nghiên cứu đột biến gen của HBV còn rất hạn chế. Đến nay, có rất ít nghiên cứu đánh giá đồng thời cả yếu tố kiểu gen và đột biến gen trên vùng core – promoter/pre – core trong cùng một nghiên cứu, được công bố [7, 9]. Các nghiên cứu đó đều đánh giá được mối tương quan giữa kiểu gen và đột biến gen trên vùng core – promoter/pre – core với quá trình bệnh lý trên lâm sàng, tuy nhiên lại chưa tiến hành phân tích đơn biến hay đa biến đánh giá các yếu tố nguy cơ cao đối với xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính.

Chính vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu:

Đánh giá một số yếu tố nguy cơ cao đối với xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính bằng phân tích đơn biến và phân tích đa biến tương quan hồi quy.

I. ĐỐI   TƯỢNG   VÀ   PHƯƠNG   PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu

174 bệnh nhân Việt Nam nhiễm HBV mạn tính, tuổi trung bình 39,7± 16,4 (17 – 75). Bao gồm 46 bệnh nhân ung thư gan, 43 bệnh nhân xơ gan, 28 bệnh nhân viêm gan B mạn tính và 57 người nhiễm HBV nhưng không có triệu chứng.

2. Phương pháp nghiên cứu

Xét nghiệm huyết thanh học dấu ấn HBV, nồng độ alpha – fetoprotein bằng phương pháp ELISA, nồng độ HBV – DNA xác định bằng real – time PCR. Phân loại kiểu gen của HBV bằng phương pháp PCR – RFLP hoặc ELISA với kháng thể đơn dòng. Đột biến gen trên vùng core promoter của HBV được xác định bằng phương pháp giải trình tự gen. Các phương pháp này được phân tích cụ thể trong nghiên cứu trước đây của tác giả [9].

3. Xử lý số liệu

Phép phân tích đơn biến và đa biến tương quan hồi quy được làm với chương trình xử lý thống kê trên máy tính với phần mềm STATA 8.0 của Hoa kỳ.

Mục tiêu: đánh giá một số yếu tố nguy cơ cao đối với xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B (HBV) mạn tính. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: bao gồm 174 bệnh nhân. Xét nghiệm huyết thanh học dấu ấn HBV, nồng độ alpha – fetoprotein bằng ELISA, nồng độ HBV – DNA xác định bằng real – time PCR. Phân loại kiểu gen của HBV bằng PCR – RFLP hoặc ELISA. Đột biến gen của HBV xác định bằng giải trình tự gen. Các thuật toán phân tích đơn biến và đa biến tương quan hồi qui được áp dụng để xử lý số liệu. Kết quả: phân tích đơn biến cho thấy các yếu tố giới tính nam, nồng độ alpha – fetoprotein
≥ 20 ng/ml, nồng độ HBV – DNA ≥ 5,0 logcopies/ml, kiểu gen C của HBV, đột biến bộ đôi T1762A1764 và C/A1753, là các yếu tố nguy cơ có ý nghĩa đối với xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính. Phân tích đa biến cho thấy nồng độ alpha – fetoprotein ≥ 20 ng/ml, nồng độ HBV – DNA ≥ 5,0 logcopies/ml, kiểu gen C của HBV và đột biến bộ đôi T1762A1764 là những yếu tố nguy cơ có ý nghĩa thống kê. Kết luận: nghiên cứu đã góp phần đánh giá một số yếu tố nguy cơ cao đối với xơ gan và ung thư gan ở bệnh nhân nhiễm HBV mạn tính.
 

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment