Nghiên cứu nguyên nhân liệt dây thần kinh vận nhãn và kết quả điều trị liệt dây thần kinh IV
Nghiên cứu nguyên nhân liệt dây thần kinh vận nhãn và kết quả điều trị liệt dây thần kinh IV.Nhãn cầu vận động nhờ các cơ vận nhãn do các dây thần kinh vận nhãn (DTKVN) số III, IV và VI điều khiển. Đây là các dây thần kinh (TK) sọ não bắt nguồn từ các nhân nằm sâu trong thân não, đi qua nhiều cấu trúc giải phẫu của não bộ để đến hốc mắt, chi phối các cơ vận nhãn. Bởi vậy, những bất thường của sọ não (nói riêng) và nhiều bệnh lý toàn thân (nói chung) đều có thể gây liệt các DTKVN như chấn thương đầu mặt, bệnh lý mạch máu, khối u, viêm nhiễm, rối loạn nội tiết, chuyển hoá…liệt cũng có thể do bẩm sinh. Có 25,7 – 29,3% BN liệt DTKVN không rõ nguyên nhân [1],[2],[3].
Liệt DTKVN dẫn đến lác liệt (lác bất đồng hành) là tình trạng liệt cơ vận nhãn gây ra các biểu hiện: lác mắt có góc lác không bằng nhau ở các hướng nhìn, hạn chế vận nhãn, song thị, lệch đầu cổ kèm theo một số bất thường khác tại mắt, toàn thân. Bệnh có thể ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, thẩm mỹ, chức năng thị giác và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân (BN), đặc biệt khi phát hiện và điều trị muộn [4],[5],[6]. Triệu chứng lâm sàng của liệt DTKVN đa dạng, tùy vào nguyên nhân và giai đoạn của liệt. Chẩn đoán xác định nguyên nhân gây liệt thực sự cần thiết và quan trọng nhưng thường khó khăn, phức tạp vì nó liên quan đến nhiều bệnh lý toàn thân, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương, những bệnh này nhiều khi đe doạ trực tiếp tới tính mạng của BN ( phình mạch não, u não…) cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, xác định được nguyên nhân liệt DTKVN sẽ giúp ích nhiều cho điều trị cũng như tiên lượng bệnh. Để chẩn đoán được đầy đủ, chính xác đòi hỏi quá trình thăm khám phải hệ thống, tỉ mỉ, phối hợp nhiều chuyên khoa liên quan, đặt các triệu chứng của liệt trong bệnh cảnh toàn thân để khám xét, tránh bỏ sót….Ngày nay, mặc dù đã có thêm nhiều phương tiện hỗ trợ chẩn đoán liệt DTKVN song việc xác định nguyên nhân gây liệt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện nước ta hiện nay, khi việc sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại chưa thể phù hợp cho tất cả người dân. Thực tế này đòi hỏi thày thuốc nhãn khoa cần có những kiến thức và sự nhạy bén lâm sàng nhất định để có thể định hướng nguyên nhân sát thực nhất giúp việc điều trị và tiên lượng bệnh tốt hơn.
Trong số các DTKVN, dây TK IV có đường đi dài nhất, điều khiển cơ chéo trên thực hiện chức năng xoáy nhãn cầu vào trong, đưa xuống dưới, đưa ra ngoài. Liệt dây TK IV chiếm tỷ lệ 11,4 – 21,2% trong liệt DTKVN [7],[8]. Đây là nguyên nhân gây lác đứng nhiều nhất [9],[10] tạo ra song thị, lệch đầu đặc trưng khiến BN khó chịu, ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, thẩm mỹ, tuy nhiên bệnh lại ít được quan tâm phát hiện. Liệt dây TK IV do bẩm sinh khá cao, từ 35 – 71,5% [10],[11],[12] song chính những BN này thường được phát hiện muộn, chữa trị chưa kịp thời nên đã để lại di chứng lâu dài (ngoẹo đầu, lép má…).
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu qui mô về liệt DTKVN (nói chung) và liệt dây TK IV (nói riêng) với số lượng BN lớn, trang thiết bị chuyên sâu, thời gian theo dõi lâu dài [1],[3],[10]… Ở Việt nam đã có những nghiên cứu bước đầu, song mới chỉ dừng lại ở phạm vi bệnh học và điều trị từng hình thái liệt dây TK đơn lẻ [13], số lượng chưa nhiều, thời gian theo dõi ngắn. Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào đầy đủ về nguyên nhân của liệt DTKVN và điều trị liệt dây TK IV. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu nguyên nhân liệt dây thần kinh vận nhãn và kết quả điều trị liệt dây thần kinh IV” với mục tiêu:
1. Nghiên cứu nguyên nhân của liệt dây thần kinh vận nhãn.
2. Đánh giá kết quả điều trị liệt dây thần kinh IV.
ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Lần đầu tiên nguyên nhân gây liệt DTKVN trong nhãn khoa được nghiên cứu một cách có hệ thống tại Bệnh viện Mắt Trung ương với số lượng lớn (gần 400 BN) giúp thầy thuốc nhãn khoa có cái nhìn tổng thể về bệnh lý liệt DTKVN và xác định được các nguyên nhân gây liệt dây TK vận nhãn.
2. Lần đầu tiên kết quả điều trị liệt dây IV bẩm sinh và mắc phải được đánh giá trên số lượng tương đối lớn bệnh nhân bằng cả hai phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật tại mắt, giúp lựa chọn các phương pháp can thiệp có hiệu quả và an toàn nhất cho BN.