NGHIÊN CỨU NỒNG ĐỘ DIOXIN TRONG MÁU CỦA QUÂN NHÂN LÀM VIỆC TẠI 3 SÂN BAY Ô NHIỄM DIOXIN Ở VIỆT NAM
NGHIÊN CỨU NỒNG ĐỘ DIOXIN TRONG MÁU CỦA QUÂN NHÂN LÀM VIỆC TẠI 3 SÂN BAY Ô NHIỄM DIOXIN Ở VIỆT NAM
Lã Thị Hương Giang1, Phạm Thế Tài1,2, Đinh Hồng Dương1
TÓM TẮT
Mục tiêu: Xác định nồng độ dioxin trong máu và một số yếu tố liên quan của quân nhân làm việc tại 3 sân bay ô nhiễm dioxin ở Việt Nam là Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Đối tượng và phương pháp: 666 quân nhân tại 3 sân bay ô nhiễm dioxin được lấy máu và tiến hành định lượng nồng độ dioxin (tổng BEQ) trong máu bằng phương pháp DR CALUX, thời gian từ 8 – 12/2017. Kết quả: Nồng độ dioxin trung bình 74,7 ± 50,0 pgBEQ/g mỡ, trong đó ở sân bay Biên Hoà là 86,2 ± 63,1 pgBEQ/g mỡ, sân bay Đà Nẵng 70,9 ± 38,3 pgBEQ/g mỡ, sân bay Phù Cát 59,7 ± 29,2 pgBEQ/g mỡ. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Có mối tương quan thuận có ý nghĩa thống kê giữa tuổi, số năm công tác tại sân bay với nồng độ dioxin trong máu. Kết luận: Nồng độ dioxin trong máu của các quân nhân cao nhất ở sân bay Biên Hoà, tiếp đến là sân bay Đà Nẵng và Phù Cát, khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nồng độ dioxin trong máu của quân nhân tăng dần theo tuổi và thời gian công tác tại các sân bay ô nhiễm dioxin.
Dioxin được xếp vào nhóm chất ô nhiễm khó phân huỷ, tích tụ và tồn tại lâu dài trong môi trường cũng như trong cơ thể con người và các sinh vật khác, chúng là sản phẩm phụ của các hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là hoạt động sản xuất có quá trình đốt nhiên liệu [6]. Tại Việt Nam, từ năm 1962 – 1971, Quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện một chiến dịch phun rải chất diệt cỏ (Chiến dịch Ranch Hand) với mục đích khai quang bộc lộ các căn cứ quân sự và phá hủy mùa màng. Tuy nhiên, chất diệt cỏ (khoảng 2/3 là chất da cam) chứa tạp chất là đồng đẳng độc nhất của dioxin là 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (2,3,7,8-tetraCDD). Hiện nay, một số căn cứ không quân cũ của Hoa Kỳ tại Việt Nam sử dụng để lưu trữ chất diệt cỏ trong Chiến dịch như sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát vẫn là các điểm nóng ô nhiễm dioxin [7]. Nhiều nghiên cứu về tác hại của dioxin đã cho thấy các hợp chất này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường và sức khoẻ con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con người chủ yếu bị phơi nhiễm dioxin qua tiêu thụ thực phẩm nhiễm dioxin [6]. Quân nhân làm việc trong sân bay và người dân sinh sống quanh những căn cứ không quân này có nguy cơ phơi nhiễm dioxin cao. Một số
nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy, nồng độ dioxin trong sữa mẹ của những người sống gần sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng cao gấp 3 – 4 lần so với ở miền Bắc [2]. Tương tự, nồng độ dioxin trong máu của nam giới sống gần sân bay Phù Cát và Biên Hòa cao hơn có ý nghĩa thống kê so với những người sống ở miền Bắc [3].
Mục đích của nghiên cứu: Đánh giá nồng độ dioxin trong máu và một số yếu tố liên quan của quân nhân làm việc tại 3 sân bay quân sự ô nhiễm dioxin ở Việt Nam là sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát
Nguồn: https://luanvanyhoc.com