Nghiên cứu phân loại nguyên nhân u trung thất theo Tổ chức y tế thế giới năm 2004
Có nhiều cách phân loại u trung thất: theo vị trí giải phẫu, định khu trung thất theo lâm sàng, Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2004, Shields T.W. Mục tiêu nghiên cứu: nghiên cứu phân loại nguyên nhân u trung thất theo WHO (2004). Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu tiến cứu trên các bệnh nhân được chẩn đoán xác định u trung thất trên phim chụp CLVT tại khoa Hô Hấp Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 05-2007 đến tháng 02-2009. Tất cả các bệnh nhân đều được tiến hành sinh thiết khối u trung thất xuyên thành ngực dưới CLVT. Chỉ định nội soi lồng ngực khi bệnh nhân không có chẩn đoán mô bệnh học qua STXTN, hạch thượng đòn, màng phổi. Kết quả nghiên cứu: có tổng số 109 bệnh nhân (Nam: 80; nữ: 29), tuổi trung bình: 47,7 ± 15,6. Các nhóm nguyên nhân theo WHO 2004 gặp trong nghiên cứu bao gồm: u tuyến ức: 23 bệnh nhân, ung thư biểu mô tuyến ức: 23 bệnh nhân, u tế bào mầm: 2 bệnh nhân, u lympho trung thất: 11 bệnh nhân, các khối u trung mô tuyến ức và trung thất: 6 bệnh nhân, kén trung thất: 7 bệnh nhân, ung thư di căn trung thất: 23 bệnh nhân. Nguyên nhân khác: 14 bệnh nhân (lao: 9 bệnh nhân, sarcoidosis: 4 bệnh nhân, biếu giáp lạc chỗ: 1 bệnh nhân).
Kết luận. U tuyến ức (u tuyến ức và ung thư biểu mô tuyến ức) là nguyên nhân thường gặp nhất (42,2%) của các trường hợp u trung thất. Các u lành tính trung thất (u tuyến ức typ A, quá sản tuyến ức, u mỡ trung thất, u nang bì trung thất, kén trung thất, biếu giáp lạc chỗ) cũng chiếm tỷ lệ đáng kể (25,7%).
1. Đặt vấn đề
Trung thất là vùng nằm giữa lồng ngực, được giới hạn bởi các túi màng phổi ở xung quanh. Trung thất được chia thành 3 khu vực: trung thất trước, trung thất giữa và trung thất sau.[6][8]
Có rất nhiều nguyên nhân gây u trung thất như: u tuyến giáp, u tuyến ức, kén khí quản, u lympho, hạch di căn, u phế quản, u quái… Tùy theo vị trí, u trung thất có thể có các biểu hiện lâm sàng như: hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên, chèn ép dây thần kính quặt ngược, dây giao cảm cổ, chèn ép thực quản.[6][8]
Để chẩn đoán xác định hội chứng trung thất, bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, cần dựa vào các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như: chụp x quang phổi thẳng, nghiêng, chụp cắt lớp vi tính (CLVT) ngực… Để xác định chắc chắn bản chất của các khối u trung thất thường cần sinh thiết khối u trung thất như sinh thiết qua phẫu thuật mở trung thất, nội soi trung thất, nội soi lồng ngực, chọc hút kim nhỏ xuyên thành ngực, khí quản hoặc thực quản hoặc sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của chụp CLVT.[6][8]
Có nhiều cách phân loại u trung thất: theo định khu giải phẫu,[4][2] định khu lâm sàng,[6] tổ chức y tế thế giới năm 2004[6] và theo Shields T.W.[8] Tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam đề cập tới tỷ lệ các khối u trung thất trước phẫn thuật, do vậy nghiên cứu tiến hành nhằm mục tiêu: nghiên cứu tỷ lệ các khối u trung thất theo phân loại của tổ chức y tế thế giới năm 2004.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Các bệnh nhân được chẩn đoán xác định u trung thất trên phim chụp CLVT tại khoa Hô Hấp Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 05-2007 đến tháng 02-2009.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả trên 109 bệnh nhân có khối u trung thất điều trị tại khoa Hô Hấp Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 05/2008-02/2009.
Tất cả các bệnh nhân đều được thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cơ bản, chụp X quang phổi, CLVT phổi. STXTN được chỉ định cho những trường hợp không có chẩn đoán mô bệnh học u trung thất với các kỹ thuật nội soi phế quản, sinh thiết hạch thượng đòn hoặc màng phổi (cho những bệnh nhân có hạch thượng đòn, tràn dịch màng phổi). Những trường hợp vẫn chưa có chẩn đoán qua tất cả các biện pháp thăm dò nêu trên được chỉ định nội soi lồng ngực.
Các thông tin ghi nhận bao gồm
– Thông tin về nhân khẩu học: tuổi, giới, nghề nghiệp, địa chỉ.
– Đặc điểm tổn thương trên phim chụp Xquang và cắt lớp vi tính phổi: vị trí, kích thước khối u, đặc điểm khối u, tỷ trọng khối u, các tổn thương nhu mô phổi, hạch trung thất.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích