Nghiên cứu sự thay đổi một số chỉ số huyết học ở bệnh nhân lao phổi được điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương
Nghiên cứu sự thay đổi một số chỉ số huyết học ở bệnh nhân lao phổi được điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.Lao là một bệnh nhiễm trùng mạn tính do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra, vi khuẩn lao được Robert Koch phát hiện năm 1882 và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao gặp phổ biến nhất (chiếm 80-85%) và là nguồn lây chính cho những người xung quanh [1],[2],[3].
Việt Nam là một nước nằm trong khu vực nhiệt đới nóng, ẩm, môi trường sống chật hẹp, đặc biệt là nhiều thế hệ sống trong cùng một nhà là yếu tố thuận lợi cho sự lây nhiễm lao và lây lan bệnh lao trong những người nhà của bệnh nhân lao. Mặt khác, những người nghiện ma túy, người bị bệnh ác tính, người nhiễm HIV/AIDS, người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao, người có khả năng đề kháng của cơ thể kém đều là những là những người có nguy cơ dễ nhiễm lao trong cộng đồng [4].
Hệ thống tạo máu là một cơ quan quan trọng trong cơ thể có liên quan đến hầu hết các cơ quan khác. Các cơ quan tạo máu có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh lao; bao gồm các dòng tế bào máu, đặc trưng bằng những chỉ số huyết học và các thành phần huyết tương. Các thay đổi huyết học đóng vai trò quan trọng cung cấp những dấu hiệu để chẩn đoán, đánh giá tiên lượng và theo dõi điều trị trên lâm sàng bệnh nhân lao [5].
Số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin giảm thường xuất hiện trên những người bệnh nhiễm trùng mạn tính, trong đó có bệnh lao. Số lượng bạch cầu thường tăng và tăng bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu mono và có thể giảm bạch cầu lympho. Tăng số lượng tiểu cầu và đôi khi gây kết dính tiểu cầu [6],[7],[8].
Một số nghiên cứu của các tác giả thấy rằng do việc sử dụng thuốc chống lao phải phối hợp nhiều loại, dùng trong thời gian dài và các tác dụng phụ của thuốc chống lao có ảnh hưởng trực tiếp cơ quan tạo máu, đến các tế bào máu và các chức năng khác của cơ thể, cũng như ảnh hưởng đến chức năng gan. Các thuốc chống lao có thể làm giảm số lượng hồng cầu, giảm nồng độ hemoglobin, có khi làm kết dính hồng cầu; giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu; thuyên tắc phổi và cũng như huyết khối tĩnh mạch sâu [9],[10],[11],[12].
Nghiên cứu các bệnh lý phối hợp trên bệnh nhân lao đã có nhiều, nhưng nghiên cứu về huyết học ở bệnh nhân lao phổi thì chưa nhiều tác giả thực hiện. Để góp phần điều trị hiệu quả và tiên lượng tốt hơn về diễn biến của bệnh lao phổi qua sự thay đổi các chỉ số huyết học, chúng tôi nghiên cứu đề tài này với hai mục tiêu:
1. Nghiên cứu một số đặc điểm xét nghiệm máu và tủy xương ở bệnh nhân lao phổi không kháng thuốc được điều trị tại bệnh viện Phổi Trung ương từ 2015 đến 2017.
2. Đánh giá sự thay đổi các chỉ số huyết học ở bệnh nhân nghiên cứu trước và sau điều trị thuốc chống lao.
. Đặc điểm xét nghiệm máu và tủy xương của bệnh nhân lao phổi không kháng thuốc
1.1. Bệnh nhân lao phổi thường có thiếu máu, tỷ lệ thiếu máu ở nam có 94 bệnh nhân (71,76%).
1.2. Tỷ lệ thiếu máu ở bệnh ở bệnh nhân lao phổi đã điều trị (76,6%) cao hơn bệnh nhân lao phổi mới (69,37%).
1.3. Bệnh nhân lao phổi có tăng bạch cầu, tỷ lệ số lượng bạch cầu tăng có 59 bệnh nhân (37,34%), bạch cầu mono tăng có 121 bệnh nhân (76,58%), bạch cầu trung tính tăng có 60 bệnh nhân (37,97%).
1.4. Có 21 bệnh nhân (13,29%) giảm số lượng tiểu cầu.
1.5. Rối loạn đông máu ở bệnh nhân lao phổi nghiêng về tăng đông; có tăng nồng độ D-Dimer (chiếm tỷ lệ 68,99%), nồng độ fibrinogen (chiếm tỷ lệ 59,49%) và tăng số lượng tiểu cầu (chiếm tỷ lệ 32,28%) bệnh nhân.
1.6. Bệnh nhân lao phổi thường có rối loạn sinh tủy thứ phát với 44 bệnh nhân (27,85%), tăng sinh tuỷ phản ứng có 21 bệnh nhân (13,28%), tủy giảm sinh một dòng có 19 bệnh nhân (12,03%).
1.7. Rối loạn sinh tủy thứ phát thường gặp ở bệnh nhân lao phổi đã điều trị có thiếu máu, có số lượng bạch cầu đoạn trung tính trên 8 x 109/l, có số lượng bạch cầu lympho dưới 1 x 109/l và có nồng độ D-Dimer trên 500ng/ml (60%).
2. Thay đổi các chỉ số nghiên cứu ở bệnh nhân lao phổi không kháng thuốc sau một tháng điều trị tấn công bằng thuốc chống lao
2.1. Sau điều trị, tỷ lệ bệnh nhân nữ có thiếu máu (28,57%) thấp hơn so với trước điều trị (71,43%).
2.2. Có sự tăng lên của bạch cầu lympho trong tủy xương sau điều trị (16,64% so với 14,03%).
2.3. Bạch cầu mono, số lượng tiểu cầu và nồng độ fibrinogen giảm xuống sau điều trị là yếu tố tiên lượng tốt cho quá trình điều trị lao phổi.