Nghiên cứu sự cải thiện khả năng tập trung-chú ý của trẻ tự kỷ sau can thiệp ngôn ngữ trị liệu
Luận văn Nghiên cứu sự cải thiện khả năng tập trung-chú ý của trẻ tự kỷ sau can thiệp ngôn ngữ trị liệu.Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, vì vậy việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em để phát triển toàn diện cả về mặt thể chất lẫn tinh thần là một vấn đề hết sức cần thiết. Chính vì thế khuyết tật ở trẻ em đã trở thành mối quan tâm lớn đối với gia đình và xã hội, trong đó rối loạn phát triển lan tỏa là một trong những khuyết tật đáng lo ngại hiện nay.
Tự kỷ là một hội chứng trong nhóm các khuyết tật rối loạn phát triển lan tỏa (pervasive developmental disorders) ở trẻ em, đặc trưng bởi sự khiếm khuyết kỹ năng xã hội, giao tiếp và rối loạn hành vi [27]. Do những khiếm khuyết nặng nề của nhiều kỹ năng phát triển, trẻ bị tự kỷ gặp khó khăn lớn trong hòa nhập xã hội. Năm 1980, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ đã đưa ra con số thống kê như sau: trong số những người tự kỷ được điều chỉnh về mặt xã hội phù hợp, chỉ có 1/ 3 có cơ hội việc làm và sống tự lập hoặc bán tự lập, còn 2/3 thì vẫn ở mức độ khuyết tật nặng, không thể sống tự lập được và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội [12].
Các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa kiểu tự kỷ khá cao trong dân số, ước tính 60 / 10000 trẻ so với tỷ lệ mắc tự kỷ là 10 – 20 / 10000 trẻ, tỷ lệ nam mắc nhiều hơn nữ gấp 4 lần [27], [56]. Tỷ lệ tự kỷ có xu hướng ngày càng gia tăng và rộng rãi trên toàn thế giới [27].
Trong các khó khăn về phát triển, rối loạn tập trung – chú ý là một trong những trở ngại khiến trẻ khó bắt chước và học được những điều từ mọi người xung quanh. Cho đến nay, định nghĩa khả năng tập trung còn nhiều mô tả tương đối chưa thống nhất. Hầu hết các quan niệm cho rằng khả năng tập trung bao gồm một loạt các kỹ năng như: kỹ năng duy trì sự chú ý trong khoảng thời gian nhất định, kỹ năng nắm bắt thông tin, dịch chuyển sự tập trung và sàng bỏ các thông tin không cần thiết. Misrky, Anthony và CS năm đã xác định bốn yếu tố của tập trung đó là: thực hiện tập trung, duy trì, mã hóa và luân chuyển [54].
Chương trình can thiệp ngôn ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ bắt đầu bằng việc huấn luyện cho trẻ khả năng tập trung và khả năng nhìn mặt người đối thoại [9]. Từ những kỹ năng ban đầu đó, trẻ có thể bắt chước và học và những kỹ năng tiếp theo. Có thể nói việc thay đổi và cải thiện khả năng tập trung là những kỹ thuật quan trọng bậc nhất, là tiền đề giúp trẻ tự kỷ học cách sống, vui chơi, giao tiếp và kết giao như những thành viên khác trong xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá mới, rất ít tài liệu trong và ngoài nước mô tả đến tình trạng này của trẻ, đến phương pháp đánh giá và can thiệp nhằm tăng cường khả năng tập trung của trẻ tự kỷ. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu:
1. Mô tả sự cải thiện khả năng tập trung – chú ý của trẻ tự kỷ và mối tương quan sau can thiệp ngôn ngữ trị liệu.
2. Bước đầu phân tích các yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp ngôn ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ.