Nghiên cứu sự lây truyền virus viêm gan b giữa mẹ và con tại bệnh viện trường đại học y dược Huế
Tóm tắt: Kiểm tra huyết thanh của 64 sản phụ vào sinh có HBsAg (+) thì có 15 trường hợp có HBeAg(+), chiếm tỷ lệ 23,4%. Theo dõi sự lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con ở 32 trẻ con của các bà mẹ có HBsAg(+) từ lúc sinh ra cho đến lúc 6 tháng tuổi cho kết quả: lúc mới sinh ra, nếu mẹ có HBsAg (+) thì 9,4% sẽ truyền virus viêm gan B cho con, nếu mẹ có cả HBsAg và HBeAg (+) thì 33,3% trẻ có HBsAg (+). Khi trẻ được 6 tháng tuổi: nếu mẹ HBsAg (+) thì 15,6% trẻ có HBsAg(+), nếu mẹ đồng thời có HBsAg và HBeAg(+) thì 55,6% truyền virus viêm gan B cho con. Mẹ HBeAg (+) thì khả năng truyền virus viêm gan B cho con cao hơn mẹ có HBeAg(-) (với p<0,05). Tất cả các trẻ này đều được tham gia vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại địa phương, kiểm tra anti HBs ở các trẻ này thì có 56,2% trẻ có hiệu giá kháng thể ở mức bảo vệ (> 10mUI/ml). Trị số trung bình của anti HBs đạt được là 207 ± 195 mUI/ml.
I. Đặt vấn đề
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỉ người đã nhiễm virus viêm gan B, trong đó khoảng 300 triệu người trở thành người mang virus mạn tính và hậu quả là trên 1 triệu người chết mỗi năm. Ở Việt Nam, các thống kê cho thấy tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B là 15-20% dân số. Như vậy có thể thấy rằng viêm gan virus B thực sự là một vấn đề lớn đối với sức khoẻ cộng đồng
Virus viêm gan B có ba cách thức lây truyền chính: qua đường máu, qua quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Việt Nam là nước được xếp vào khu vực có dịch lưu hành cao nên đường lây truyền từ mẹ truyền sang con là chủ yếu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: mẹ mang virus viêm gan B mạn tính: nếu mẹ có HBeAg (+) thì nguy cơ lây cho con là 90¬100%; mẹ có HBeAg (-) thì nguy cơ lây cho con là 5-20%. Với những trẻ bị nhiễm virus viêm gan B trước 6 tháng tuổi có nguy cơ 80-90% trở thành người mang virus mạn tính và khoảng 25% trẻ này sẽ chết vì xơ gan hoặc ung thư gan ở tuổi trưởng thành. Đây thật sự là thiệt hại to lớn đối với bản thân, gia đình và xã hội. Trong khi đó, những trẻ bị nhiễm sau 12 tháng tuổi, cũng như ở người lớn, chỉ có 5-10% trở thành người mang virus mạn tính.
Việc điều trị những trường hợp nhiễm virus viêm gan B mạn tính vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với trẻ nhiễm virus từ thời kỳ sơ sinh thì hầu như không đáp ứng với điều trị.
Điều này cho thấy nhiễm virus viêm gan B từ thời kỳ sơ sinh thật sự là một vấn đề đáng lo ngại và cần được quan tâm. Việc nghiên cứu cơ chế của con đường từ mẹ sang con nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ cho trẻ là thật sự cần thiết. Nhiều tác giả đã đưa ra khuyến cáo rằng dự phòng là một biện pháp quan trọng và thiết yếu, trong đó việc áp dụng vaccine phòng bệnh là phương pháp có hiệu quả cao. Tuy nhiên việc tiêm chủng vaccine viêm gan virus B đối với những trẻ sơ sinh mắc bệnh từ mẹ truyền sang có hiệu quả đến đâu thì còn là một vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.
Góp phần vào vấn đề thời sự trên, nghiên cứu của tôi nhằm mục tiêu:
1. Xác định tỷ lệ sản phụ có HBeAg (+), sự liên quan giữa tỷ lệ HBeAg (+) của mẹ và sự lây truyền virus viêm gan B cho con.
2. Xác định đặc điểm đáp ứng tạo kháng thể sau chủng ngừa vaccine viêm gan B ở những trẻ này sau 4 – 6 tháng.
II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
1. Đối tượng nghiên cứu
– Mẹ: Các sản phụ đến sinh ở Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế có HBsAg (+) (Làm bằng xét nghiệm ELISA).
– Con: Tất cả các trẻ sơ sinh con của các sản phụ được chọn như trên.
2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang đối với mẹ, nghiên cứu dọc đối với con.
Quá trình thu thập số liệu được tiến hành như sau:
– Chỉ định làm HBeAg cho các sản phụ vào sinh mà có HBsAg (+).
– Với các sản phụ này, theo dõi cuộc đẻ, lấy máu tĩnh mạch trẻ sơ sinh để làm xét nghiệm HBsAg. Việc lấy máu được tiến hành trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Trong nghiên cứu này chúng tôi không lấy máu rốn để tránh sự nhầm lẫn giữa máu mẹ và con làm sai lệch kết quả.
– Những trẻ này đều được tham gia vào CTTCMR tại địa phương, không có can thiệp gì khác so với những trẻ bình thường khác, sau 4 – 6 tháng, lúc trẻ đã tiêm chủng vaccine VGVB mũi thứ 2 được 30 ngày, liên hệ động viên gia đình đem trẻ đi làm lại xét nghiệm HBsAg, anti HBs để đánh giá sự chuyển đổi huyết thanh của trẻ. Máu được lấy từ tĩnh mạch ở tay trẻ. Với những trẻ có kết quả HBsAg(+) thì cho làm thêm HBeAg và HBV DNA.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích