Nghiên cứu sự thay đổi trí nhớ ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não bằng bộ trắc nghiệm bec 96
Các rối loạn trí nhớ, nhận thức là một trong những trở ngại của bệnh nhân trong quá trình hội nhập xã hội sau tai biến mạch máu não. Mục tiêu: Nghiên cứu sự thay đổi trí nhớ của bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Đối tượng và phương pháp: 32 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não vùng bán cầu, lần đầu. Trắc nghiệm BEC 96 của JL Signoret được Việt hoá năm 2002 được sử dụng để đánh giá. Kết quả: 53,3% bệnh nhân có rối loạn trí nhớ. Loại bị tổn thương nhất là trí nhớ tức thời (68,75%) và ngắn hạn (59,3%). Trí nhớ dài hạn ít bị ảnh hưởng. Kết luận: Bệnh nhân sau tai biến mạch máu não bị tổn thương trí nhớ tức thời và ngắn hạn; đó là trở ngại quan trọng đối với bệnh nhân trong quá trình hồi phục và học lại các kỹ năng sống sau tai biến mạch máu não.
Tai biến mạch máu não là một trường hợp đa tàn tật, ngoài những di chứng về vận động, người bệnh còn chịu những hậu quả về nhận thức, tinh thần… Việc phục hồi chức năng những khiếm khuyết về nhận thức, ngôn ngữ của người bệnh luôn là những thách thức lớn. Về bệnh học, có thể nói tai biến mạch máu não xảy ra với tần suất lớn [1, 3], và có khoảng 25 – 30% trường hợp đi kèm các rối loạn chức năng ngôn ngữ, nhận thức [2, 9]. Các khiếm khuyết về thể chất mặt nào đó có thể coi là dễ dàng vượt qua với sự trợ giúp của nhân viên chăm sóc. Ngược lại những thiếu hụt và suy giảm về trí tuệ, tinh thần, ngôn ngữ khiến người bệnh khó giao tiếp với xung quanh, khó hoà nhập vào đời sống cộng đồng. Vấn đề này lại được đề cập ít hơn nên đối với nhiều thầy thuốc, nhân viên y tế việc đánh giá, chăm sóc người bệnh gặp nhiều khó khăn. Đã có nhiều bộ công cụ được sử dụng để mô tả những khiếm khuyết về trí tuệ nhận thức của các đối tượng này. Tuy vậy, Bộ trắc nghiệm BEC 96 của J.L Signoret là bộ công cụ đã được áp dụng vào Việt Nam năm 2001 [5] nhằm nghiên cứu sự thay đổi trí nhớ ở người có tuổi. Bộ trắc nghiệm này đã được điều chỉnh một số chi tiết cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu:
Đánh giá các khiếm khuyết về trí nhớ của bệnh nhân bị tai biến mạch máu não bằng Bộ trắc nghiệm BEC 96 của J L.Signoret.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
Là những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não lần đầu, gồm các đối tượng bị nhồi máu não và xuất huyết não, được chẩn đoán và điều trị tại khoa Thần kinh và khoa Phục hồi chức năng, bệnh viện Bạch Mai. Chọn mẫu được thực hiện theo phương pháp ngẫu nhiên thuận tiện, cỡ mẫu là 32 người. Thời điểm đánh giá sau tai biến khoảng 3 tuần, khi bệnh nhân có thể hợp tác với nghiên cứu.
2. Phương pháp nghiên cứu
– Công cụ đánh giá: Trắc nghiệm BEC 96 của Signoret gồm 8 mục để đánh giá trí nhớ và nhận thức, mỗi mục có 12 điểm, tổng số là 96 điểm. Trong phần trình bày này chúng tôi chỉ mô tả 3 mục đánh giá trí nhớ, gồm: trí nhớ tức thời (mục học dãy từ): điểm tối đa: 12. Trí nhớ ngắn hạn (mục nhớ hình vẽ): điểm tối đa: 12. Trí nhớ dài hạn (mục định hướng): điểm tối đa: 12.
Trắc nghiệm này được tác giả Lương Chí Thành [7] dịch sang tiếng Việt, cải biên một số từ, ngữ và
tranh cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Chi tiết về trắc nghiệm này, những điểm thích nghi, cách thức tiến hành trắc nghiệm và cách thức tính điểm được trình bày trong luận án Tiến sĩ y học của tác giả.
– Cách thức tiến hành: cách tiến hành và đánh giá được thực hiện đúng tuần tự các bước đã nêu trong [7]. Điểm tối đa của mỗi tiết mục trong bộ trắc nghiệm
BEC 96 là 12. Khi số điểm đạt dưới 9 là có khiếm
khuyết về chức năng đó. Tổng điểm của ba tiết mục đánh giá chức năng trí nhớ là 36 điểm, trong đó:
+ Bình thường: 27 – 36 điểm.
+ Khiếm khuyết nhẹ: 18 – 26 điểm.
+ Khiếm khuyết nặng: 0 – 17 điểm.
Phần đánh giá nhận thức- ngôn ngữ còn lại, gồm 5 mục sẽ trình bày ở bài khác.
Các số liệu nghiên cứu được xử lý trên máy vi tính theo phương pháp thông kê bằng phần mềm SPSS version 11.5 chạy trên môi trường Windows.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích