Nghiên cứu tác dụng của dung dịch điện giải ion kiềm ECO G9 lên chỉ số lipid máu và acid uric máu trên mô hình động vật thực nghiệm
Nghiên cứu tác dụng của dung dịch điện giải ion kiềm ECO G9 lên chỉ số lipid máu và acid uric máu trên mô hình động vật thực nghiệm
Trần Thanh Tùng, Trần Văn Tín, Vũ Ngọc Hảo, Đặng Thị Thu Hiên
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu (RLLPM) và tác dụng hạ acid uric của nước điện giải ion kiềm ECO G9 (nước ECO G9) trên động vật thực nghiệm. Trên mô hình gây rối loạn lipid máu theo cơ chế nội sinh, chuột nhắt trắng được tiêm màng bụng Poloxamer (P-407) liều 200 mg/kg. Mô hình gây rối loạn lipid máu theo cơ chế ngoại sinh, tiến hành cho chuột cống trắng uống hỗn hợp giàu cholesterol 10 mL/kg trong 4 tuần liên tiếp vào các buổi sáng. Chuột được lấy máu định lượng TG, TC, HDL-C, LDL-C, nonHDL-C và AST, ALT. Trên mô hình hạ acid uric, vào ngày thứ 5 sau 1 giờ uống mẫu thử chuột nhắt trắng được tiêm màng bụng kali oxonat liều 500 mg/kg. Sau tiêm 2 giờ, lấy máu động mạch cảnh định lượng nồng độ acid uric huyết thanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nước ECO G9 liều 160 mL/kg và 240 mL/kg trên mô hình nội sinh có tác dụng làm giảm TG và non-HDL-C, không làm thay đổi nồng độ HDL-C. Trên mô hình ngoại sinh, nước ECO G9 liều 80 mL/kg có tác dụng làm giảm nồng độ TG, liều 120 mL/kg/ngày chưa có tác dụng làm giảm rõ rệt các chỉ số lipid máu. Cả 2 mức liều không làm ảnh hưởng đến các chỉ số enzym gan. Nước ECO G9 liều 160 mL/kg/ngày và 240 mL/kg/ngày có xu hướng làm giảm acid uric máu trên mô hình gây tăng acid uric máu bằng kali oxonat.
Bệnh mạch vành (Coronary Heart Diseasehay CHD) là nguyên nhân chính gây tử vong và tàn phế ở các nước phát triển với 1/3 tổng số ca tử vong ở những người trên 35 tuổi.1 Rối loạn lipid máu (RLLPM) được coi là một trong số yếu tố nguy cơ mà FHS đã chứng minh được mối quan hệ dịch tễ học với tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành (Coronary Artery Disease hay CAD).2 Chính vì vậy, việc phát triển các phương pháp điều trị RLLPM cũng như tìm ra các phương thuốc mới có hiệu quả và an toàn hơn luôn là một yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, rối loạn chuyển hóa acid uric là bệnh lý thường đi kèm với RLLPM, bệnh tim mạch, bệnh lý về thận… Hiện nay, các thuốc điều trị RLLPM, rối loạn chuyển hóa acid uric của y học hiện đại (YHHĐ) như nhóm fibrat, nhóm statin, acid nicotinic, nhóm xanthin… điều trị đem lại hiệu quả khá tốt, tác dụng nhanh nhưng lại gây ra một số tác dụng không mong muốn khi phải sử dụng lâu dài (viêm cơ, tiêu cơ vân, tăng transaminase, rối loạn điện tim…).3Do đó, một trong những xu hướng điều trị hiện nay là sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả điều trị vừa hạn chế được các tác dụng không mong muốn cho người bệnh.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com