NGHIÊN CỨU TẦN SUẤT VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA TĂNG ÁP LỰC KHOANG BỤNG Ở CÁC BỆNH NHÂN CHĂM SÓC TÍCH CỰC

NGHIÊN CỨU TẦN SUẤT VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA TĂNG ÁP LỰC KHOANG BỤNG Ở CÁC BỆNH NHÂN CHĂM SÓC TÍCH CỰC

Luận án NGHIÊN CỨU TẦN SUẤT VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA TĂNG ÁP LỰC KHOANG BỤNG Ở CÁC BỆNH NHÂN CHĂM SÓC TÍCH CỰC. Tăng áp lực khoang bụng ảnh hưởng đến tình trạng hô hấp được Marey chứng minh lần đầu tiên vào năm 1863 [33]. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh tác động của áp lực khoang bụng lên hệ tim mạch, chức năng thận, hoạt động thần kinh và nhiều tạng khác ở ổ bụng. Năm 2004, Hiệp hội Thế giới về Hội chứng chèn ép khoang bụng (WSACS) được thành lập và đã đưa ra các đồng thuận theo y học dựa trên bằng chứng, phác thảo tiêu chuẩn đo lường áp lực khoang bụng cũng như thiết lập tiêu chí chẩn đoán tăng áp lực khoang bụng (TALKB) và hội chứng chèn ép khoang bụng (HCCEKB) [27],[74],[86]. Ngày nay, những định nghĩa này được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới, đã trở thành những thuật ngữ tiêu chuẩn cho TALKB và HCCEKB.

HCCEKB là hậu quả từ việc gia tăng áp lực trong khoang bụng đến một điểm mà lưu lượng máu đến các tạng đích bị tổn thương và cuối cùng là suy chức năng tạng [62]. Nhiều nghiên cứu đã mô tả tình trạng TALKB và giai đoạn tiến triển nặng của nó là HCCEKB có thể xảy ra ở các bệnh nhân được điều trị tại các khoa hồi sức tích cực. Việc hình thành TALKB không chỉ xảy ra ở các bệnh nhân có các bệnh lý vùng bụng như viêm tụy, phẫu thuật vùng bụng [46],[124] mà còn xảy ra ở các bệnh nhân hồi sức khác, ví dụ như nhiễm trùng nặng, đa chấn thương, bệnh lý tim phổi [40],[79],[108].
TALKB và HCCEKB có thể xảy ra ở tất cả các bệnh nhân cần chăm sóc tích cực, điều này đã được nhiều nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ của TALKB là 30% đến 50% và tỉ lệ HCCEKB là 4% đến 12% [81],[83],[128]. Tỉ lệ sống sót của HCCEKB cũng rất thấp, vào khoảng 20% [128].
Việc hiểu rõ tần suất của TALKB cũng như việc phát hiện sớm và điều trị thích hợp TALKB và HCCEKB sẽ giúp giảm khả năng biến chứng và tử vong ở những bệnh nhân này [32],[83]. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được nghiên cứu rộng rãi ở Việt Nam. Tác giả Lê Thương báo cáo gần đây về kết quả bước đầu nghiên cứu ALKB trên 118 bệnh nhân tại khoa Ngoại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa [5]. Nghiên cứu này dừng lại ở mức xác định áp lực khoang bụng của ba nhóm bệnh nhân: sau phẫu thuật chương trình, sau phẫu thuật cấp cứu bệnh vùng bụng và nhóm bệnh nhân được theo dõi bụng ngoại khoa. Gần đây, vài nghiên cứu khác trong nước cũng chỉ đề cập đến tỉ lệ tăng áp lực khoang bụng ở các nhóm bệnh nhân chuyên biệt như sốt xuất huyết, viêm tụy cấp và phẫu thuật vùng bụng [1],[2],[4],[6].
Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu ở các bệnh nhân phải nằm điều trị hồi sức tích cực để tìm câu trả lời cho các vấn đề sau: tần suất tăng áp lực khoang bụng là bao nhiêu? Các yếu tố nguy cơ nào liên quan đến TALKB? Và liệu TALKB, nhất là HCCEKB có ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong của bệnh nhân chăm sóc tích cực không?
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Xác định tần suất tăng áp lực khoang bụng ở những bệnh nhân điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
2. Xác định các yếu tố nguy cơ của tăng áp lực khoang bụng ở bệnh nhân chăm sóc tích cực.
3. Xác định ảnh hưởng của tăng áp lực khoang bụng, nhất là hội chứng chèn ép khoang bụng lên tử vong của bệnh nhân chăm sóc tích cực.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Đình Công, Nguyễn Văn Hải và cs (2013), “Tần suất tăng áp lực khoang bụng ở những bệnh nhân có bệnh lý nặng”, Y học TP. HCM. Tập 17 (số 6), tr. 1 – 5.
2. Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Đình Công, Nguyễn Văn Hải và cs (2013), “Các yếu tố nguy cơ và tiên lượng của tăng áp lực khoang bụng ở bệnh nhân nặng”, Y học TP. HCM, Tập 17 (số 6), tr. 6 – 12.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
1. Nguyễn Đắc Ca (2007), Nghiên cứu giá trị của áp lực ổ bụng trong chẩn đoán
mức độ và theo dõi diễn biến của viêm tụy cấp, Luận văn thạc sĩ y học, Đại học Y Hà Nội.
2. Đào Xuân Cơ (2012), Nghiên cứu giá trị của áp lực ổ bụng trong phân loại mức
độ nặng ở bệnh nhân viêm tụy cấp, Luận án tiến sĩ y học, Viện NCKH Y Dược lâm sàng 108.
3. Nguyễn Anh Dũng, Đỗ Đình Công (2011), “Ảnh hưởng của vị thế cơ thể lên áp
lực ổ bụng”, Y học TP. HCM, 15 (Dec. N5), tr. 1 – 5.
4. Phạm Văn Quang (2013), Vai trò của đo áp lực bàng quang trong chẩn đoán và
xử trí tăng áp lực ổ bụng trên bệnh nhi sốc sốt xuất huyết Dengue, Luận án tiến sĩ y học, Đại học Y dược TP. HCM.
5. Lê Thương, Đỗ Hoài Kỳ (2009), “Kết quả bước đầu nghiên cứu áp lực khoang
bụng tại khoa ngoại tổng quát bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa”, Tạp chí Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, Tập IV (Số 6), tr. 1090-97.
6. Nguyễn Trần Uyên Thy (2013), Đánh giá tình trạng tăng áp lực ổ bụng ở bệnh
nhân phẫu thuật vùng bụng, Luận văn thạc sĩ y học, Đại học Y Dược TP, HCM.

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment