Nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc tiêm tránh thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 – 2009

Nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc tiêm tránh thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 – 2009

Đánh giá thực trạng sử dụng thuốc tiêm tránh thai trong giai đoạn 2006-2009 và đồng thời xem xét một số yếu tố tác động đến sự chấp nhận dùng thuốc tiêm tránh thai, từ đó đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp can thiệp. Phương pháp nghiên cứu: thiết kế mô tả cắt ngang, tiến hành phỏng vấn 525 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15 – 49 tuổi đã và đang sử dụng thuốc tiêm tránh thai từ 01/07/2006 đến 31/06/2009. Kết quả: Tỷ lệ biện pháp tránh thai hiện đại: 78,94%, cao nhất là dụng cụ tử cung (32,94%) và thuốc tiêm (25,13%). Nhóm đối tượng bỏ cuộc TTTT chủ yếu nằm trong độ tuổi là từ 25 – 39 tuổi, chiếm 73,4%. Tỷ lệ bỏ cuộc thuốc tiêm tránh thai là 18,5%. Thời gian sử dụng trung bình TTTT của người bỏ cuộc là 3,58 năm. Kết luận: Thuốc tiêm tránh thai đã được đa số người dân chấp nhận, cho thấy các BPTT đang ngày càng được đa dạng hóa và đã dần thay đổi tỷ trọng các BPTT tại huyện A Lưới. Tuy nhiên, để người dân sử dụng thuốc tiêm tránh thai hiệu quả, an toàn và thuận lợi cần chú trọng hơn nữa các yếu tố liên quan đến tiếp thị xã hội của dịch vụ y tế như điểm cung cấp dịch vụ, cán bộ cung cấp dịch vụ, vấn đề xử lý tác dụng phụ nhằm hạn chế tỷ lệ bỏ cuộc được tìm thấy trong nghiên cứu này là 18,5%.

Trong nỗ lực đa dạng hoá biện pháp tránh thai, thuốc tiêm tránh thai (TTTT) bắt đầu đưa vào sử dụng rộng rãi trong chương trình Dân số- Kế hoạch hóa gia đình từ năm 2001. Việc chấp nhận của người dân đối với TTTT ngày càng được tăng lên, đã nâng dần tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai tăng qua các năm. TTTT có hiệu quả ngừa thai rất cao. Tuy nhiên, một nhược điểm của nó là tỷ lệ bỏ cuộc cao do nhiều nguyên nhân. Theo kết quả điều tra biến động dân số cho thấy tỷ trọng sử dụng TTTT của Thừa Thiên Huế khoảng 4%. Số lượng sử dụng TTTT huyện A Lưới rất cao, chiếm tỷ trọng hơn 20% các BPTT tại huyện và chiếm 29% số lượng sử dụng thuốc tiêm tránh thai của toàn tỉnh. Chính vì vậy, trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe sinh sản -kế hoạch hóa gia đình một cách thuận tiện, an toàn và gần dân đối với người sử dụng thuốc tiêm tránh thai tại huyện A Lưới, chúng tôi tiến hành “Nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc tiêm tránh thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 – 2009”. Mục tiêu nghiên cứu để đánh giá thực trạng sử dụng thuốc tiêm tránh thai trong giai đoạn 2006 – 2009 tại địa điểm nghiên cứu.

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment