NGHIÊN CỨU: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN DA KỀ DA VÀ CHO TRẺ BÚ SỚM TRONG QUY TRÌNH CHĂM SÓC THIẾT YẾU BÀ MẸ, TRẺ SƠ SINH TRÊN SẢN PHỤ ĐẺ THƯỜNG CỦA HỘ SINH TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI NĂM 2020
NGHIÊN CỨU: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN DA KỀ DA VÀ CHO TRẺ BÚ SỚM TRONG QUY TRÌNH CHĂM SÓC THIẾT YẾU BÀ MẸ, TRẺ SƠ SINH TRÊN SẢN PHỤ ĐẺ THƯỜNG CỦA HỘ SINH TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI NĂM 2020
Học viên: Đỗ Thị Thủy
Giáo viên hướng dẫn: TS. Lê Thị Kim Ánh
Da kề da và cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh là các can thiệp đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong sơ sinh. Hiện nay, tại các BV có dịch vụ sinh đẻ ở Việt Nam, việc thực hiện da kề da và cho trẻ bú sữa mẹ sớm cũng được coi là tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng bệnh viện. Với mục đích rà soát tình hình và đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo việc tuân thủ thực hiện quy trình tại Bệnh viện, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu 2 mục tiêu: mô tả thực trạng và xác định một số yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện da kề da và cho trẻ bú sớm trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trên sản phụ đẻ thường của hộ sinh tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội năm 2020.
Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả cắt ngang, kết hợp phương pháp định lượng và định tính. Thông tin định lượng được thu thập trước thông qua quan sát thực hành của hộ sinh trong 200 ca đẻ thường dựa trên bảng kiểm quy trình kỹ thuật được thiết theo Quyết định 4673/QĐ-BYT năm 2014 của Bộ Y tế. Thông tin định tính được thu thập sau khi có kết quả định lượng qua phỏng vấn sâu Lãnh đạo các Khoa Phòng (3 cuộc), và thảo luận nhóm sản phụ sau đẻ (1 cuộc) và nhóm hộ sinh trực tiếp đỡ đẻ (1 cuộc).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các lượt quan sát đạt cả về thực hành da kề da và cho trẻ bú sớm trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trên sản phụ đẻ thường của hộ sinh là 31,5%. Tỷ lệ lượt quan sát có thời gian tiếp xúc da kề da đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Y tế (90 phút sau sinh) chỉ chiếm 51 %. Nghiên cứu cũng ghi nhận, tỷ lệ trẻ bú mẹ đúng cách khi nằm trên bụng mẹ khi được hướng dẫn là 63% và tỷ lệ trẻ được bú mẹ ngay sau đẻ 1h theo khuyến cáo của WHO là 74%. Trong 32 thao tác trong quy trình, có tới 15 thao tác có hộ sinh không thực hiện, chủ yếu là các hoạt động hướng dẫn sản phụ các thao tác cần làm trong việc cho trẻ bú sớm. Các thao tác thực hiện không đạt đa phần là không đảm bảo thời gian theo quy định hoặc thực hiện chưa đủ yêu cầu nội dung của thao tác. Các yếu tố ảnh hưởng đến thao tác trong thực hành không đạt của hộ sinh bao gồm: thái độ và kỹ năng của hộ sinh về quy trình; tình trạng quá tải, cơ sở hạ tầng hạn chế, một số quy định hiện hành, chế tài chưa phù hợp, các hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục cho hộ sinh còn gặp nhiều khó khăn; nhiều gia đình sản phụ không hợp tác tốt nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy trình của hộ sinh.
Nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cần có kế hoạch đào tạo lại cho đội ngũ hộ sinh, tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả thực hiện các quy trình. Ngoài ra tham mưu cho Phòng tổ chức cán bộ xây dựng đề án về nhân lực đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong mùa sinh đẻ tại viện. Bản thân các hộ sinh cũng cần nghiêm túc quy trình và có ý thức tự giám sát, hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình thực hiện