Nghiên cứu tình hình viêm loét giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong 10 năm (1998 – 2007)
Viêm loét giác mạc là một bệnh rất phổ biến ở các nước đang phát triển, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng gây mờ đục giác mạc, giảm thị lực trầm trọng, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa, thậm chí phải bỏ mắt, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét giác mạc như: vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng Acanthamoeba hoặc nguyên nhân chưa được biết rõ ràng như trong loét Mooren (một loại viêm loét giác mạc có đặc điểm tiến triển mạn tính với tổn thương đặc trưng là đào khoét dưới biểu mô) hoặc một số hình thái viêm loét khác.
Bệnh thường gặp ở các nước nhiệt đới đang phát triển. Tại các nước phát triển như Mỹ, ước tính hàng năm có tới 30.000 ca VLGM do vi khuẩn và tỷ lệ mắc bệnh trên nhóm người dùng kính tiếp xúc chiếm phần lớn. Hàng năm nước Mỹ tốn khoảng 50 triệu đô la Mỹ để điều trị viêm loét giác mạc. Ở Anh tình trạng này cũng tương tự và có khoảng 1500 ca VLGM hàng năm. Theo y văn, nguyên nhân VLGM chủ yếu là do vi khuẩn [36]. Gần đây, cơ cấu nguyên nhân gây viêm loét giác mạc cũng đã thay đổi. Các tác giả nhận thấy VLGM do nấm ngày càng tăng.
Ở nước ta do đặc điểm khí hậu nóng ẩm, thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, điều kiện vệ sinh môi trường kém, mức sống của phần lớn người dân còn thấp, hạn chế về dân trí, việc chăm sóc sức khỏe nói chung cũng như chăm sóc mắt nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, thói quen và kiến thức phòng bệnh trong lao động cũng như trong sinh hoạt chưa được phổ biến áp dụng rộng trong nhân dân, bên cạnh đó là việc tự ý dùng thuốc (đặc biệt là corticoid), không đi khám, chữa kịp thời khi bệnh đang còn ở giai đoạn sớm càng làm cho tỷ lệ mắc cũng như mức độ bệnh càng thêm trầm trọng.
Trong 2 năm (2004 – 2005) tại bệnh viện Mắt Trung ương, viêm loét giác mạc do nấm chiếm tỷ lệ cao nhất (59. 8% ) trong tổng số 562 bệnh nhân viêm loét giác mạc do nhiễm trùng, sau đó là do vi khuẩn (29.4%), virus (9. 1%) và amip (1.8%) [4].
Tại Việt nam đã có nhiều nghiên cứu về viêm loét giác mạc được báo cáo. Tuy vậy, một nghiên cứu có tính chất tổng kết về viêm loét giác mạc trong thời gian dài gần đây nhất chưa được thực hiện vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài:
“Nghiên cứu tình hình viêm loét giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong 10 năm (1998 – 2007) ” với mục tiêu:
1. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm vi sinh của viêm loét giác mạc.
2. Nhận xét kết quả điều trị và các yếu tố ảnh hưởng.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích