Nghiên cứu tình trạng đông cầm máu ở người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường type 2 và mối liên quan với các biến chứng mạch máu

Nghiên cứu tình trạng đông cầm máu ở người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường type 2 và mối liên quan với các biến chứng mạch máu

Nghiên cứu tình trạng đông cầm máu ở người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường type 2 và mối liên quan với các biến chứng mạch máu.Đái tháo đường (ĐTĐ) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa glucid đặc trưng bởi tình trạng tăng đường máu mạn tính gây ra do giảm tiết insulin, đề kháng insulin hoặc kết hợp cả hai. Đái tháo đường hiện đang được coi là một vấn đề sức khỏe toàn cầu với tổng số người mắc trên thế giới lên tới 425 triệu người vào năm 2015 và dự báo đến năm 2045 sẽ là 629 triệu người. Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở người cao tuổi đang có xu hướng gia tăng.


Đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó, các biến chứng mạch máu là những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong. Cơ chế gây ra các biến chứng này khá phức tạp với sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó có các rối loạn đông cầm máu và tiêu sợi huyết. Xu hướng tăng đông và giảm tiêu sợi huyết xảy ra khá phổ biến ở người bệnh ĐTĐ với biểu hiện tăng nồng độ và hoạt tính của nhiều yếu tố đông cầm máu như fibrinogen, yếu tố VII, VIII, XI, XII, kallikrein, von Willebrand (vWF) cùng với các yếu tố có vai trò quan trọng trong cơ chế tiêu sợi huyết như t-PA và PAI… hoặc giảm nồng độ và hoạt tính của các chất kháng đông tự nhiên như PrC, PrS, AT-III… Bên cạnh đó, người bệnh ĐTĐ cũng thường có tăng hoạt tính tiểu cầu và rối loạn chức năng điều hòa đông máu tại chỗ của các tế bào nội mạc mạch máu, làm tăng nguy cơ huyết khối. 
Ở người bệnh ĐTĐ cao tuổi, các rối loạn đông cầm máu còn có thể biểu hiện một cách rõ rệt hơn do bản thân tuổi già cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập gây tăng đông và giảm tiêu sợi huyết. Trong những năm gần đây, ở trong nước đã có một số nghiên cứu về tình trạng đông máu ở người bệnh ĐTĐ được công bố, tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu riêng cho nhóm bệnh nhân cao tuổi. Bên cạnh đó, mối liên quan giữa tình trạng tăng đông với các biến chứng mạch máu của ĐTĐ cũng không hoàn toàn thống nhất giữa các nghiên cứu. Vì những lý do này, tôi quyết định lựa chọn đề tài “Nghiên cứu tình trạng đông cầm máu ở người cao tuổi bị bệnh đái tháo đường type 2 và mối liên quan với các biến chứng mạch máu” nhằm các mục tiêu sau:
1.    Nghiên cứu một số đặc điểm của tình trạng đông cầm máu ở người bệnh đái tháo đường type 2 cao tuổi.
2.    Phân tích mối liên quan giữa các chỉ số đông cầm máu với một số biến chứng mạch máu của đái tháo đường.
2. Những đóng góp mới của đề tài
Công trình nghiên cứu đã đánh giá được một cách tương đối toàn diện đặc điểm của các yếu tố tham gia vào nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình đông cầm máu ở người bệnh ĐTĐ type 2 cao tuổi, bao gồm số lượng và độ ngưng tập tiểu cầu, yếu tố thành mạch (yếu tố von Willebrand), các yếu tố đông máu huyết tương (fibrinogen, yếu tố VII, VIII), các chất kháng đông tự nhiên (antithrombin III, protein C, protein S) và các yếu tố tham gia vào quá trình tiêu sợi huyết (PAI-1, D-dimer, plasminogen). Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy xu hướng tăng đông và giảm tiêu sợi huyết rõ rệt ở nhóm đối tượng này với sự gia tăng nồng độ/ hoạt tính của các yếu tố von Willebrand, VII, VIII, fibrinogen và PAI-1 so với nhóm chứng.
Nghiên cứu cũng đã đi sâu tìm hiểu và phân tích mối liên quan giữa tình trạng đông cầm máu với một số biến chứng mạch máu thường gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường type 2 cao tuổi. Theo đó, sự gia tăng nồng độ hoặc hoạt tính của các yếu tố đông máu như fibrinogen, von Willebrand, yếu tố VII, VIII, PAI-1 đều làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng mạch máu ở người bệnh đái tháo đường type 2 cao tuổi, đặc biệt là biến chứng thận và các biến chứng vi mạch nói chung. 
3. Bố cục của luận án 
Luận án gồm 132 trang, gồm: Đặt vấn đề (2 trang), tổng quan tài liệu (35 trang), đối tượng và phương pháp nghiên cứu (22 trang), kết quả nghiên cứu (34 trang), bàn luận (36 trang), kết luận (2 trang) và kiến nghị (1 trang). Toàn bộ luận án có 55 bảng, 7 hình, sơ đồ và biểu đồ. Số tài liệu tham khảo là 167, gồm 17 tiếng Việt và 150 tiếng Anh.
Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Vài nét về bệnh ĐTĐ ở người cao tuổi
1.1.1. Chẩn đoán: Áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ tương tự ở người trẻ tuổi, nhưng nghiệm pháp dung nạp glucose được cho là có giá trị chẩn đoán tốt hơn xét nghiệm đường máu lúc đói.
1.1.2. Phân loại: Theo Hội ĐTĐ Hoa Kỳ, bệnh ĐTĐ gồm 3 nhóm
chính: ĐTĐ type 1, ĐTĐ type 2 và một số loại ĐTĐ đặc biệt khác.
1.1.3. Biến chứng: Gồm nhóm BC cấp tính (hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, hạ đường huyết…) và BC mạn tính như BCMM, bệnh lí bàn chân… Các BCMM gồm các BC vi mạch (bệnh lý thận, bệnh võng mạc) và BC mạch máu lớn (nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…).
1.2. Sự thay đổi tình trạng đông cầm máu ở người bệnh ĐTĐ 
1.2.1. Rối loạn chức năng tế bào nội mạc mạch máu: tình trạng tăng đường máu trực tiếp tấn công và làm tổn thương các tế bào nội mạc, thay đổi cấu trúc và đặc tính sinh lý học của màng đáy, dẫn đến sự thay đổi tính thấm và khả năng co giãn của mạch máu.
1.2.2. Sự thay đổi của tiểu cầu: tình trạng rối loạn chức năng nội mạc mạch máu có thể gây hoạt hóa tiểu cầu tại chỗ, đặc trưng bởi sự tăng kết dính và ngưng tập tiểu cầu. Tác dụng thẩm thấu của tăng đường máu cũng làm tăng ngưng tập và phóng thích hạt của tiểu cầu.
1.2.3. Sự thay đổi các yếu tố đông cầm máu: có thay đổi của hầu hết các yếu tố tham gia vào hoạt động đông cầm máu ở bệnh nhân ĐTĐ theo hướng gây tăng đông và giảm tiêu sợi huyết.
1.2.4. Sự thay đổi của các chất kháng đông tự nhiên: tình trạng tăng đường huyết làm giảm hoạt tính sinh học của antithrombin, tăng nồng độ kháng nguyên và hoạt tính của protein C.
1.2.5. Rối loạn quá trình tiêu sợi huyết: Tăng gắn đường vào các phân tử plasminogen ở bệnh nhân ĐTĐ có thể làm giảm chuyển đổi thành plasmin, giảm hoạt tính của plasmin khi được tạo thành. Tăng đường máu cũng kích thích sự tổng hợp PAI-1, làm kéo dài sự tồn tại của cục máu đông và tạo ra huyết khối. 
1.2.6. Sự thay đổi cấu trúc cục máu đông: cục máu đông ở người bệnh ĐTĐ bị giảm khả năng thấm do có cấu trúc đậm đặc hơn, kích thước lỗ nhỏ hơn, các sợi dày hơn và nhiều điểm nhánh hơn so với nhóm chứng.
1.3. Liên quan giữa các chỉ số đông cầm máu với các biến chứng mạch máu ở người bệnh ĐTĐ
Rối loạn của quá trình đông cầm máu có thể kết hợp với các yếu tố nguy cơ liên quan đến chuyển hóa như tình trạng đề kháng insulin và tăng đường huyết làm tăng nguy cơ của các biến chứng tim mạch trong ĐTĐ type 2. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan rõ rệt giữa sự thay đổi của các yếu tố đông cầm máu như fibrinogen, vWF, PAI-1, đoạn prothrombin 1+2… với sự xuất hiện của các biến chứng mạch máu của ĐTĐ. Một số nghiên cứu còn cho thấy, mối liên quan giữa các rối loạn về đông cầm máu và tiêu sợi huyết với sự xuất hiện các biến chứng mạch máu của ĐTĐ type 2 là rõ rệt hơn so với các biến số lâm sàng khác, bao gồm cả mức độ tăng đường máu. Mối liên quan giữa các rối loạn về đông cầm máu và tiêu sợi huyết với các biến chứng tim mạch trong ĐTĐ type 2 là đặc biệt rõ rệt trong sự xuất hiện của các yếu tố nguy cơ khác như kiểm soát đường máu kém, rối loạn mỡ máu và béo phì. 

Nguồn: https://luanvanyhoc.com

Leave a Comment