Nghiên cứu tình trạng kháng insulin ở người cao tuổi ĐTĐ type 2 có HCCH điều trị tại Bệnh viện Lão khoa trung ương

Nghiên cứu tình trạng kháng insulin ở người cao tuổi ĐTĐ type 2 có HCCH điều trị tại Bệnh viện Lão khoa trung ương

Đái tháo đường (ĐTĐ) type 2 là một bệnh rối loạn chuyển hoá do kháng insulin, giảm tiết insulin hoặc kết hợp cả hai. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu và rối loạn chuyển hoá các chất carbohydrat, protid, lipid [2].

Kháng insulin là đặc điểm nổi bật của ĐTĐ type 2, là tình trạng suy giảm đáp ứng sinh học đối với insulin, biểu hiện thông thường bằng sự gia tăng nồng độ insulin trong máu [26,53]. Tình trạng kháng insulin gây nhiều khó khăn trong điều trị bệnh nhân ĐTĐ type 2. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng kháng insulin là một trong những yếu tố liên quan tới một loạt các biến chứng, nhất là các biến chứng mạch máu. Kháng insulin còn có mối liên quan với những yếu tố nguy cơ như béo phì thừa cân, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tạo ra một vòng xoắn bệnh lý làm cho tình trạng kháng insulin và sự tiến triển của ĐTĐ type 2 càng phức tạp hơn [60].

Tần suất bệnh ĐTĐ type 2 ngày càng tăng, là một trong ba bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất (ung thư, tim mạch và ĐTĐ) [2]. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2025 sẽ có từ 300 đến 330 triệu người, khoảng 5,4% dân số thế giới mắc bệnh ĐTĐ. Ở Việt Nam, theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2003, tỷ lệ mắc dao động từ 2,7%-3% [2].

Kỹ thuật kẹp bình đường tăng insulin máu là kỹ thuật chuẩn vàng để chẩn đoán xác định kháng insulin, nhưng đây là phương pháp phức tạp, chỉ áp dụng tại các trung tâm nghiên cứu, khó áp dụng rộng rãi trên lâm sàng để chẩn đoán cho số đông bệnh nhân ĐTĐ type 2 hay các bệnh nhân có nguy cơ cao kháng insulin [44]. Rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu để tìm ra các chỉ số, phương pháp thay thế đơn giản hơn, dễ áp dụng rộng rãi trên lâm sàng để chẩn đoán kháng insulin: insulin máu lúc đói, tỉ số insulin/glucose máu lúc đói, HOMA (Homeostasis model assessment)[46,47], QUICKI (quantitavie insulin sensitivity check index), chỉ số khối thể, vòng eo… Kết quả cho thấy mỗi chỉ số chỉ có tác dụng đối với mỗi nhóm bệnh nhân khác nhau, ví dụ HOMA, QUICKI có khả năng chẩn đoán kháng insulin tốt đối với bệnh nhân ĐTĐ type 2 béo phì, thừa cân [17], QUICKI có tác dụng đối với bệnh nhân cao tuổi, rối loạn dung nạp glucose [66,72]….Do đó, trong những trường hợp các chỉ số thay thế trên không đủ chẩn đoán xác định tình trạng kháng insulin thì kỹ thuật kẹp bình đường tăng insulin máu là rất có giá trị và thực sự cần thiết [44] .

Các nghiên cứu đánh giá vai trò của các chỉ số kháng insulin tại Việt Nam còn chưa nhiều và cũng chưa so sánh độ chính xác của các chỉ số này so với kỹ thuật kẹp bình đường tăng insulin máu. Hơn nữa, các bệnh nhân rối loạn dung nạp glucose và ĐTĐ của Việt Nam thường có tỉ lệ béo phì thấp hơn các bệnh nhân ở các nước phát triển. Tuy tỉ lệ béo phì thấp nhưng những bệnh nhân này có sự phân bố mỡ trong cơ thể không tốt, tỉ lệ béo bụng khá cao, chứng tỏ mức độ kháng insulin cao.

Do vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài : “Nghiên cứu tình trạng kháng insulin ở người cao tuổi ĐTĐ type 2 có HCCH điều trị tại Bệnh viện Lão khoa trung ương” với hai mục tiêu:

1. Đánh giá tình trạng kháng insulin ở người cao tuổi ĐTĐ type 2 có HCCH điều trị tại BV Lão khoa trung ương bằng nghiệm pháp kẹp bình đường tăng insulin máu.

2. Nhận xét một số yếu tố liên quan đến tình trạng kháng insulin ở người cao tuổi ĐTĐ type 2 có HCCH điều trị tại BV Lão khoa trung ương.

 

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment