Nghiên cứu tổn thương mòn cổ răng ở người cao tuổi tỉnh Bình Dương và đánh giá hiệu quả điều trị bằng GC Fuji II LC Capsule
Luận án tiến sĩ y học Nghiên cứu tổn thương mòn cổ răng ở người cao tuổi tỉnh Bình Dương và đánh giá hiệu quả điều trị bằng GC Fuji II LC Capsule.Theo Luật người cao tuổi Việt Nam số 39/2009/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 23 tháng 11 năm 2009, những người Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên được gọi là người cao tuổi (NCT) [1]. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính tới cuối năm 2012, Việt Nam đã có hơn 9 triệu NCT (chiếm 10,2% dân số). Số lượng NCT đã tăng lên nhanh chóng. Dự báo, thời gian để Việt Nam chuyển từ giai đoạn “lão hóa” sang một cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với một số nước phát triển: giai đoạn này khoảng 85 năm ở Thụy Điển, 26 năm ở Nhật Bản, 22 năm ở Thái Lan, trong khi dự kiến chỉ có 20 năm cho Việt Nam [2], [3]. Điều đó đòi hỏi ngành y tế phải xây dựng chính sách phù hợp chăm sóc sức khỏe NCT trong đó có chăm sóc sức khỏe răng miệng. Một trong những vấn đề cần được quan tâm trong chính sách chăm sóc sức khỏe răng miệng NCT là các tổn thương tổ chức cứng của răng.
Tổn thương tổ chức cứng của răng đặc biệt tổn thương mòn cổ răng (MCR) rất phổ biến trong số các bệnh lý về răng miệng. Vấn đề mòn răng nói chung ngày càng được quan tâm nhiều hơn và xem như là một bệnh đứng thứ 3 ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng sau sâu răng và viêm quanh răng [4].
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ MCR rất hay gặp, đặc biệt là ở NCT. Theo Lussi và Schaffner, tỷ lệ MCR ở NCT là 78,7% [5]. Theo nghiên cứu của Pegorago tỷ lệ MCR là 95%, hay gặp ở răng hàm nhỏ và răng hàm lớn thứ nhất [6]. Borcic nghiên cứu 1002 bệnh nhân ở Croatia thấy tỷ lệ MCR là 70%, hay gặp ở nhóm răng hàm nhỏ và răng nanh [7]. Jakupovic (2010) nghiên cứu thấy tỷ lệ MCR ở NCT lên tới 97,2% [8].
Ở Việt Nam, theo Đặng Quế Dương (2004), MCR chiếm 91,7% [9]. MCR thường gặp ở nhóm răng hàm nhỏ [7],[10]. MCR có đặc điểm tăng dần2 theo tuổi [11],[12],[13], ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây ê buốt, khi mòn nhiều có thể ảnh hưởng tới tủy răng, trầm trọng hơn là gãy răng. Do vậy điều trị MCR ở NCT là rất cần thiết.
Có nhiều phương pháp và vật liệu được sử dụng để phục hồi tổn thương MCR như trám trực tiếp bằng Composite (CPS) hoặc xi măng; phục hồi gián tiếp bằng Inlay sứ hoặc CPS. Mỗi phương pháp, vật liệu có ưu và nhược điểm nhất định.
Trong thực hành lâm sàng CPS là vật liệu hay được sử dụng để trám cổ răng, tuy nhiên CPS có những hạn chế như gây nhạy cảm ngà và ảnh hưởng tới tủy răng, có thể gây viêm lợi, gây sâu thứ phát do co vật liệu [14],[15].
Trên thế giới đã có các nghiên cứu ứng dụng GC Fuji II LC (là một loại xi măng thuỷ tinh cải tiến) để trám phục hồi tổn thương MCR. (2012) thực hiện trám tổn thương MCR với 3 loại vật liệu: Filtek Supreme Plus, Fuji II LC và Ketac Nano, sau 1 năm kết quả cho thấy độ lưu giữ của 3 loại vật liệu lần lượt là 92,6%, 100% và 100% [16]. Nghiên cứu thực nghiệm của Yassini (2012) thấy rằng tình trạng vi kẽ giữa Composite Z350 với Fuji II LC không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, tuy nhiên mức độ vi kẽ nặng của composite nhiều hơn Fuji II LC [17],[18].
Như vậy, các kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ MCR ở NCT ở mức cao, và GC Fuji II LC có hiệu quả điều trị tốt, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nghiên cứu tổng thể về thực trạng MCR ở NCT, chưa có nghiên cứu về điều trị MCR bằng GC Fuji II LC ở NCT, cũng như chưa có nghiên cứu thực nghiệm nhằm cung cấp bằng chứng khách quan về kết quả trám tổn thương MCR. Vì vậy, để góp phần đưa ra bức tranh về thực trạng tổn thương MCR cũng như đánh giá hiệu quả của việc điều trị tổn thương MCR bằng GC Fuji3 II LC ở NCT, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu tổn thương mòn cổ răng ở người cao tuổi tỉnh Bình Dương và đánh giá hiệu quả điều trị bằng GC Fuji II LC Capsule” với ba mục tiêu:
1. Mô tả thực trạng tổn thương mòn cổ răng và một số yếu tố ảnh hưởng ở người cao tuổi tỉnh Bình Dương năm 2015.
2. Đánh giá hiệu quả điều trị tổn thương mòn cổ răng bằng GC Fuji II LC Capsuleở nhóm đối tượng nghiên cứu trên.
3. Đánh giá kết quả trám tổn thương mòn cổ răng bằng GC Fuji II LC Capsule trên thực nghiệm
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Đinh Văn Sơn, Hà Anh Đức, Tống Minh Sơn (2019). So sánh vi kẽ phục hồi tổn thương mòn cổ răng sử dụng Fuji II LC Capsule và Composite, Tạp chí Y học Việt Nam, số 2 tháng 9 (482), 21-24.
2. Đinh Văn Sơn, Hà Anh Đức, Tống Minh Sơn (2019). Kết quả điều trị tổn thương mòn cổ răng bằng GC Fuji II LC Capsule, Tạp chí Y học Việt Nam, số 1 tháng 11 (484), 22-26.
3. Đinh Văn Sơn, Hà Anh Đức, Tống Minh Sơn (2020). Thực trạng tổn thương mòn cổ răng ở người cao tuổi tỉnh Bình Dương và một số yếu tố ảnh hưởng, Tạp chí Y học thực hành, số 6 tháng 6 (1135), 96-98