Nghiên cứu tỷ lệ chậm phát triển tâm thần ở trẻ em tại một số địa phương thuộc thành phố Huế
Xác định tỷ lệ và mức độ chậm phát triển tâm thần (CPTTT) ở trẻ em tại một số địa phương thuộc thành phố Huế. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:sàng lọc bằng bộ “Mười câu hỏi sàng lọc” và kết quả học tập (nếu có) trên 23195 trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi tại 5 phường và 2 xã được chọn ngẫu nhiên của thành phố Huế. Chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ CPTTT theo tiêu chuẩn của ICD – 10 (F70 – F73). Kết quả: tỷ lệ CPTTT trong toàn nhóm nghiên cứu là 0,94% (95%CI = 0,82 – 1,07), ở nông thôn là 1,18%, ở thành thị là 0,84%; ở trẻ nam là 1,16%, nữ là 0,70%. Phân bố mức độ CPTTT trong nhóm nghiên cứu là nhẹ 62,67%, vừa 19,36%, nặng 11,52% và trầm trọng 6,45%. Kết luận:tỷ lệ CPTTT trong nghiên cứu này là 0,94%. Tỷ lệ CPTTT ở nông thôn cao hơn so với thành thị và ở trẻ nam cao hơn so với trẻ nữ có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ CPTTT nặng và trầm trọng khá cao.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Chậm phát triển tâm thần (mental retardation) là một trạng thái bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em trên toàn thế giới, chiếm tỷ lệ khoảng 1 – 3% [4]. Ở Việt Nam, một số thống kê dịch tễ học sơ bộ cho thấy tỷ lệ này thay đổi từ 0,5 – 1%. Trẻ chậm phát triển tâm thần (CPTTT) cần được sống hoà nhập với sự hỗ trợ đúng mức. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ, can thiệp và giáo dục sẽ không giống nhau đối với mọi trẻ CPTTT mà có sự thay đổi tuỳ theo độ tuổi, các khuyết tật phối hợp, mức độ trí tuệ cũng như mức độ phát triển của các kỹ năng.
Việc phát hiện trẻ CPTTT và đánh giá mức độ sẽ tạo điều kiện định hướng các chương trình giáo dục, hỗ trợ và can thiệp sớm cho trẻ tại mỗi địa phương. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm các mục tiêu :
1. Xác định tỷ lệ CPTTT ở trẻ em tại một số địa phương thuộc thành phố Huế.
2. Xác định mức độ CPTTT ở các trẻ này
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích