Nghiên cứu ứng dụng xương nhân tạo, máu tuỷ xương tự thân điều trị khớp giả xương dài chi dưới

Nghiên cứu ứng dụng xương nhân tạo, máu tuỷ xương tự thân điều trị khớp giả xương dài chi dưới

 Nghiên cứu ứng dụng xương nhân tạo, máu tuỷ xương tự thân điều trị khớp giả xương dài chi dưới

Khớp giả xương dài chi dưới là di chứng thường gặp trong điều trị gãy xương. Theo các tác giả, tỷ lệ chậm liền, khớp giả chung khi gãy xương khoảng 5-10%. Theo Amin Chinoy, tỷ lệ khớp giả ở riêng xương dài khoảng 2,5%. Có nhiều nguyên nhân cơ học và sinh học phối hợp dẫn đến khớp giả: Tình trạng tổn thương ban đầu, tuổi, dinh dưỡng của người bệnh, các phương pháp điều trị trước đó và kinh nghiệm của thầy thuốc.
Điều trị khớp giả xương dài chi dưới cần đạt được hai nguyên tắc cơ bản đó là cố định xương vững và kích thích được liền xương. Cho đến nay kết hợp xương bên trong và ghép xương xốp tự thân là phương pháp được sử dụng nhiều nhất. Xương xốp tự thân là tiêu chuẩn vàng trong điều trị ghép xương… tuy nhiên bệnh nhân chịu thêm một vết mổ, có thể có biến chứng tại nơi lấy xương: Nhiễm khuẩn, chảy máu, đau, tổn thương mạch máu, thần kinh, thời gian vô cảm kéo dài; và không đủ chất liệu với các khuyết hổng xương lớn đặc biệt ở trẻ em…Đã có nhiều chất liệu thay thế xương tự thân khi điều trị khớp giả xương dài, được sử dụng như: Xương đồng loại, xương dị loại, xương nhân tạo, gần đây là máu tủy xương tự thân và tế bào gốc tủy xương tự thân, mỗi loại đều có ưu nhược điểm và có chỉ định riêng.
Khi ghép hỗn hợp máu tủy xương tự thân và xương nhân tạo sẽ cho một chất liệu ghép có đủ các tính chất của một xương xốp tự thân: Có tính dẫn xương, có tính cảm ứng xương và có các tế bào gốc tạo xương. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng như trên lâm sàng về vấn đề này được thực hiện. Tiedeman (1995) ghép tuỷ xương và xương khử khoáng cho 48 ca khuyết xương, trong 39 ca theo dõi được, có 30 ca liền xương. Siegel Herrick J. (2008) điều trị cho 60 bệnh nhân với các khuyết xương đùi và xương chày bằng ghép hỗn hợp xương nhân tạo (β- TCP) và tủy xương tự thân sau khi đã kết hợp xương bên trong, theo dõi được 51 bệnh nhân, kết quả liền xương 47/51 trường hợp. Garmavos C. (2009) điều trị thành công cho 5 bệnh nhân khớp giả xương cánh tay bằng đinh nội tủy, ghép hỗn hợp xương nhân tạo và tủy xương tự thân, thời gian liền xương trung bình 20 tuần.
Cấu trúc mô học khối can xương sau ghép đánh giá được mức độ đồng hóa của vật liệu ghép theo thời gian. Đã có những báo cáo nói đến cấu trúc khối can xương sau ghép được ghi nhận, chủ yếu thấy trên thực nghiệm. Kamran Kaveh (2010) ghép hỗn hợp phần vỏ xương xốp với dịch tủy xương chậu cho các khuyết xương quay ở thỏ, sau 8 tuần kiểm tra cấu trúc mô học khối can, thấy tổ chức xương với các tế bào và bè xương đã xuất hiện ở trung tâm khối ghép. D.S. Zhou và K.B. Zhao (2006) nghiên cứu ghép hỗn hợp nHAC/PLA (xương nano) và máu tủy xương tự thân cho các khuyết hổng xương quay ở thỏ sau 4 tuần trên các tiêu bản mô học đã thấy tổ chức xương phát triển, 12 tuần xương liền hoàn toàn.
Ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào ứng dụng ghép xương nhân tạo và máu tủy xương tự thân, điều trị khớp giả xương dài, cũng như chưa có báo cáo nào nghiên cứu cấu trúc khối can xương, sau ghép xương nhân tạo và máu tủy xương tự thân vào ổ khớp giả, nhằm đánh giá sự đồng hóa của tổ chức sau ghép. Xuất phát từ thực tiễn như vậy, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng xương nhân tạo, máu tuỷ xương tự thân điều trị khớp giả xương dài chi dưới” nhằm hai mục đích:
1. Đánh giá kết quả điều trị khớp giả xương dài chi dưới, bằng kết hợp xương bên trong, ghép xương nhân tạo và máu tủy xương tự thân.
2. Mô tả cấu trúc mô học khối can xương, sau ghép hỗn hợp xương nhân tạo mastergraft và máu tủy xương tự thân điều trị khớp giả xương dài chi dưới đạt liền xương.

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment