Ngộ độc paracetamol có thể dẫn đến tử vong

Ngộ độc paracetamol có thể dẫn đến tử vong

Paracetamol (hay còn được biết đến là acetaminophen) là một thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn phổ biến nhất hiện nay. Sở dĩ hoạt chất này được sử dụng trong nhiều chế phẩm bởi ở liều điều trị, paracetamol mang lại hiệu quả giảm đau, hạ sốt tốt, đồng thời an toàn để dùng cho hầu hết mọi người, kể cả trẻ em và phụ nữ cho con bú. Thế nhưng hiện nay, tỷ lệ ngộ độc paracetamol lại ngày càng tăng cao, bởi những trường hợp lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách, dẫn đến hoại tử gan và thậm chí là tử vong.

Vậy paracetamol gây độc gan như thế nào? Ngộ độc xảy ra khi nào? Cách xử trí và phòng ngừa ra sao? Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi lắng nghe lời giải đáp từ Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương nhé!

Tại sao Paracetamol có thể gây độc với gan?

Sau khi uống,paracetamol được hấp thu tốt ở dạ dày và ruột non. Thuốc có thể đạt nồng độ đỉnh sau khoảng 30 phút đến một giờ sử dụng. Paracetamol chủ yếu được chuyển hoá qua gan, sau đó được bài tiết qua thận theo nước tiểu. Chính quá trình chuyển hoá qua gan này là căn nguyên dẫn đến ngộ độc.

Khi paracetamol qua gan sẽ có khoảng 4% chuyển hoá thành N-acetyl-p- benzoquinonimin (NAPQI), là chất gây độc hoại tử tế bào gan không phục hồi. Ở liều thuốc thông thường, nhóm sulfhydryl trong glutathione của gan phản ứng với NAPQI sẽ nhanh chóng chuyển hoá NAPQI thành chất không độc và đào thải ra khỏi cơ thể. Do đó, khi dùng paracetamol ở liều thông thường, gan cũng sẽ mất đi một lượng glutathione.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc quá liều, gan không đủ lượngglutathione dự trữ hoặc lượng glutathione dự trữ trong gan giảm xuống thấp dưới 30%, NAPQI tích tụ sẽ bắt đầu liên hợp với nhóm sulfhydryl của protein, gây hoại tử tế bào. Sự huỷ hoại các tế bào của cơ thể này thường ảnh hưởng đến gan và các tế bào ống thận. Hoại tử gan do ngộ độc paracetamol là hoại tử không hồi phục, có thể dẫn đến hôn mê gan và tử vong.

cơ chế ngộ độc paracetamol

Ngộ độc paracetamol xảy ra khi nào?

Khi dùng paracetamol ở liều điều trị thì cơ thể sẽ có đủ lượng glutathione để đào thải NAPQI nên an toàn. Có thể hiểu rằng uống hoặc đặt trực tràng 325-650mg paracetamol mỗi 4-6 giờ một lần đối với người lớn và trẻ em trên 11 tuổi đểgiảm đau hạ sốt trong ngày là được.

Tuy nhiên, paracetamol sẽ có khả năng gây tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc thậm chí là tử vong ở liều khoảng 150mg/kg đối với người lớn (tức là khoảng gấp 10 lần so với liều khuyến cáo đường uống thông thường). Đặc biệt bệnh nhi là đối tượng có nguy cơ cao ngộ độc khi dùng quá liều paracetamol. Khuyến cáo chung là không nên dùng từ 4 gam paracetamol trở lên trong 24 giờ.

Lý do tỷ lệ ngộ độc ngày càng cao là gì?

Theo Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc paracetamol cấp tính trở thành một trong những ngộ độc thường gặp nhất ở Việt Nam. Điều này chủ yếu xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân:

  • Thứ nhất, do chủ động dùng quá liều paracetamol để tự tử: Thường được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
  • Thứ hai, do lạm dụng thuốc, dùng thuốc sai cách, quá liều mà không biết để giảm đau, hạ sốt tại nhà. Đặc biệt tình trạng ngộ độc paracetamol do quá liều thường xảy ra ở bệnh nhi, do ba mẹ hiểu sai cách, cho rằng hạ sốt liều cao sẽ giúp con hạ sốt nhanh. Hoặc do dùng quá nhiều chế phẩm có chứa paracetamol như viên uống, thuốc đặt, dung dịch uống,… dùng nhiều loại thuốc trong thành phần có chứa paracetamol để điều trị các bệnh khác nhau mà không biết (có thể do thành phần của thuốc dùng tên khác là acetaminophen, hoặc không báo với nhân viên y tế các loại thuốc khác đang sử dụng mà thành phần cũng chứa paracetamol) có thể khiến bệnh nhân dùng lặp lại liều trong ngày dẫn tới quá liều. Một số trường hợp cũng xuất phát từ việc nhân viên y tế chưa hướng dẫn rõ ràng cho bệnh nhân khi dùng thuốc.

    Cho trẻ dùng paracetamol, cha mẹ cần lưu ý những gì?

    Tại sao ngộ độc paracetamol ngày càng nhiều

    Biểu hiện của ngộ độc paracetamol

    Biểu hiện của ngộ độc paracetamol được chia thành 4 giai đoạn lâm sàng như sau:

    • Trong giai đoạn đầu (trước 24 giờ), bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc có thể buồn nôn, nôn.
    • Trong giai đoạn thứ hai (24 giờ đến 72 giờ), thường gặp khó chịu cộng với đau hạ sườn phải. Men gan tăng nhanh. Có thể có rối loạn đông máu, tăng bilirubin máu và suy thận (hoại tử ống thận).
    • Trong giai đoạn thứ ba (72 giờ đến 96 giờ): với những ca nặng có thể tiến triển thành suy gan tối cấp cùng với suy thận, suy đa tạng, rối loạn đông máu, nhiễm toan chuyển hóa nặng kèm theo tăng lactat và bệnh não gan. Các triệu chứng tiêu hóa xuất hiện trở lại và tử vong cao nhất ở giai đoạn này.
    • Giai đoạn thứ tư (4 ngày đến 2 tuần) được đánh dấu bằng sự phục hồi. Cấu trúc và chức năng gan dần trở về bình thường.

    Cách xử trí khi dùng quá liều paracetamol

    xử trí ngộ độc paracetamol

    Khi có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc paracetamol mạnh mẽ hoặc ngay khi dùng quá liều thuốc, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Do các triệu chứng ngộ độc gan ở giai đoạn đầu thường thầm lặng và bệnh nhân thường được phát hiện muộn, đã xuất hiện tình trạng suy gan không hồi phục.

    Dưới đây là quy trình điều trị ngộ độc paracetamol theo phác đồ của Bộ Y tế:

    • Loại bỏ độc tố: Rửa dạ dày, dùng than hoạt nếu paracetamol còn ở đường tiêu hoá.
    • Dùng chất giải độc paracetamol đặc hiệu: N-acetylcysteine.
    • Các điều trị hỗ trợ khác như lọc máu liên tục kết hợp với thay huyết tương hỗ trợ chức năng gan trong khi chờ ghép gan.
    • Ghép gan khi bệnh nhân bị suy gan tối cấp theo tiêu chuẩn của King’s College.
    • Các xét nghiệm và kiểm tra khác để theo dõi quá trình điều trị.

    Cách để phòng ngừa ngộ độc paracetamol

    Điều cốt lõi trong việc phòng ngừa ngộ độc thuốc là bạn cần dùng thuốc đúng liều, đúng lúc theo chỉ dẫn trên bao bì của nhà sản xuất hoặc theo chỉ dẫn trực tiếp từ bác sĩ/dược sĩ.

    Những lưu ý cần biết để dùng paracetamol an toàn

    • Không dùng thuốc khi không có sốt, không có dấu hiệu đau nhức.
    • Khi dùng thuốc giảm đau hạ sốt phải đọc kỹ bảng thành phần của thuốc, để tránh sử dụng lặp lại liều paracetamol.
    • Chú ý khi dùng thuốc khác cùng với paracetamol. Một số thuốc chống động kinh hoặc thuốc trị lao có thể làm tăng độc tính của paracetamol.
    • Không được uống rượu khi dùng paracetamol. Chú ý các thể trạng đặc biệt khi dùng thuốc như lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn,…
    • Luôn kết hợp dùng thuốc với các biện pháp hạ sốt, giảm đau khác như uống nhiều nước, chườm ấm, tắm nước ấm, nới rộng quần áo,…
    • Nếu không thuyên giảm triệu chứng hoặc liên tục sốt cao sau khi dùng thuốc, bệnh nhân nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị thích hợp.

    Có thể dùng N-acetylcystein để phòng ngừa ngộ độc paracetamol hay không?

    N-Acetylcysteine (NAC) là thuốc giải độc đặc hiệu cho tình trạng ngộ độc paracetamol, có hiệu quả bảo vệ 100% khi dùng trong vòng 8 giờ sau khi ngộ độc. NAC là tiền chất của glutathione trong gan, giải độc paracetamol bằng cách tăng lượng glutathione trong gan để chuyển hoá NAPQI, trước khi nó có thể làm tổn thương tế bào gan. Tuy nhiên, nó không thể giúp hồi phục được các tế bào gan đã tổn thương.

    Khi dùng thuốc paracetamol ở liều điều trị, cơ thể chúng ta có đủ lượng glutathione để chuyển hóa NAPQI, bảo vệ gan mà không cần thiết dùng đến NAC. NAC chỉ phát huy tác dụng giải độc khi xác định dùng quá liều thuốc.

    Hello Bacsi hy vọng bài viết trên đây đã có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về ngộ độc paracetamol. Để từ đó nâng cao ý thức trong việc dùng thuốc hạ sốt giảm đau tại nhà, nhất và đối với trẻ nhỏ.

    Chuyên mục: Thông tin thuốc

    Nguồn: hellobacsi.com

    Leave a Comment