NHẬN THỨC VỀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ DẤU HIỆU CẢNH BÁO ĐỘT QUỴ Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TẠI THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, ĐẮK LẮK NĂM 2020
NHẬN THỨC VỀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ DẤU HIỆU CẢNH BÁO ĐỘT QUỴ Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH TẠI THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, ĐẮK LẮK NĂM 2020
Đặng Thị Xuyến1, Đinh Hữu Hùng1
TÓM TẮT :
Đặt vấn đề: Đột quỵ luôn là vấn đề quan trọng trên toàn thế giới. Nhận thức tốt về các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ góp phần làm giảm gánh nặng của đột quỵ vì điều này giúp dự phòng đột quỵ có hiệu quả hơn đồng thời giúp cải thiện kết cục điều trị.
Mục tiêu: Xác định tỉ lệ nhận thức không đạt về các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo đột quỵ và một số yếu tố liên quan đến các tỉ lệ nhận thức không đạt đó ở người trưởng thành tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 464 người trưởng thành ở Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sử dụng một bộ câu hỏi được soạn sẵn để thu thập các thông tin thông qua phỏng vấn trực tiếp.
Kết quả: Trong tháng 01/2020, chúng tôi đã thu thập 464 đối tượng nghiên cứu. Kết quả cho thấy rằng có 67,9% và 76,1% người trưởng thành nhận thức không đạt về các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Các yếu tố liên quan đến tỉ lệ nhận thức không đạt về các yếu tố nguy cơ đột quỵ là tuổi cao (≥ 65 tuổi), dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp và nghề nông. Các yếu tố liên quan đến tỉ lệ nhận thức không đạt về dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là lớn tuổi, trình độ học vấn thấp, nghề nghiệp và tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ. Không có sự khác biệt về sự nhận thức đối với các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo đột quỵ giữa những người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu so với nhóm còn lại.
Kết luận: Tỉ lệ nhận thức không đạt về yếu tố nguy cơ và dấu hiệu cảnh báo đột quỵ của người dân tuổi trưởng thành ở mức cao. Các yếu tố có liên quan đến cả hai tỉ lệ nhận thức không đạt này là tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp. Riêng nhận thức về yếu tố nguy cơ, còn có liên quan với nhóm dân tộc, và đối với nhận thức về dấu hiệu cảnh báo, còn có liên quan với tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ.
Đột quỵ (ĐQ) luôn là vấn đề thời sự của mọi quốc gia bởi tỉ lệ tử vong và tàn tật luôn ở mức cao và số người chết, mắc mới và hiện mắc vẫn không ngừng tăng lên với tỉ lệ lần lượt là 41%, 66% và 84%(1). Để làm giảm gánh nặng do đột quỵ, chiến lược dự phòng đột quỵ nguyên phát nhấn mạnh nên tập trung vào những yếu tố nguy cơ (YTNC) thuộc về hành vi như hút thuốc lá, chế độ ăn không hợp lý, thói quen ít vận động(1). Bên cạnh đó, việc thiếu nhận thức về triệu chứng ban đầu cũng như các dấu hiệu cảnh báo (DHCB) đột quỵ là nguyên nhân dẫn đến nhập viện muộn làm ảnh hưởng không tốt đến kết cục điều trị ĐQ.
https://thuvieny.com/nhan-thuc-ve-cac-yeu-to-nguy-co-va-dau-hieu-canh-bao-dot-quy-o-nguoi-truong-thanh/