Nhận xét các chỉ định chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán và theo dõi chấn thương sọ não

Nhận xét các chỉ định chụp cắt lớp vi tính trong chẩn đoán và theo dõi chấn thương sọ não

Tổng quan: Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) sọ não đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi chấn thương sọ não (CTSN). Tuy nhiên,việc chỉ định chụp CLVT vẫn còn nhiều bàn luận đặc biệt trong theo dõi bệnh nhân. Mục tiêu: nhận xét các trường hợp chỉ định chụp, tìm mối tương quan giữa sự thay đổi điểm Glasgow và thay đổi hình ảnh CLVT cũng như phương pháp điều trị để rút ra các ý nghĩa thực tiễn lâm sàng trong chỉ định. Phương pháp: 1509 lần chụp CLVT sọ não cho 1000 bệnh nhân CTSN gồm 224 nữ và 776 nam được nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng trong năm 2008. Kết quả: 705 bệnh nhân chụp 1 lần, 142 chụp 2 lần, 108 chụp 3 lần, 32 chụp 4 lần và 13 trên 4 lần. Tại thời điểm chụp CLVT đầu tiên có 68,4% bệnh nhân có rối loạn ý thức (RLYT) nhẹ (13-15 điểm Glasgow), 15,9% ở nhóm vừa (9-12) và 15,7% ở nhóm nặng (3-8). Việc chụp nhiều lần chủ yếu là cho nhóm RLYT vừa hoặc nặng (chiếm 87%). Phân tích nhóm bệnh nhân có RLYT nhẹ nhận thấy việc chỉ định chụp CLVT sọ não là tương đối rộng rãi với 32,5% trường hợp ở nhóm bệnh nhân hoàn toàn không có RLYT được chụp mặc dù không nghi ngờ có tổn thương nội sọ. Không có sự tương quan giữa việc thay đổi hình ảnh trên chụp CLVT và khoảng thời gian giữa các lần chụp CLVT ở những bệnh nhân có GCS không đổi hoặc tốt lên, 73,5% có hình ảnh CLVT tốt hơn hoặc không đổi ở nhóm bệnh nhân có RLYT xấu hơn, 86,36% có hình ảnh CT xấu hơn. Có sự tương quan giữa sự thay đổi ý thức với hình ảnh trên CLVT của nhóm không đổi hoặc tốt lên (với p< 0,05) và nhóm có thay đổi tình trạng ý thức giữa hai lần chụp với sự thay đổi hình ảnh CLVT (p<0,01) và thay đổi phương pháp điều trị (phẫu thuật hay hồi sức) (p<0,05). Có sự thay đổi tình trạng lâm sàng gây nên do việc di chuyển để chụp CLVT, chủ yếu là rối loạn huyết động (14/30) và giảm điểm Glasgow gặp 9,83% (30/295) (3,05% ở nhóm có RLYT vừa và 6,78% ở nhóm nặng). Kết luận: chỉ định chụp CLVT sọ não ở các bệnh nhận CTSN có RLYT nhẹ để tránh những chỉ điịnh không cần thiết. Không nên thực hiện việc lặp lại CLVT một cách máy móc sau một khoảng thời gian nào đó. Có sự tương quan giữa tình trạng lâm sàng và hình ảnh CLVT và có những hậu quả xấu do sự vận chuyển bệnh nhân trong quá trình chụp; vì vậy cần chỉ định chụp theo dõi khi bệnh nhân có những biến đổi về lâm sàng.
Từ khóa: Chấn thương sọ não, cắt lớp vi tính sọ não, theo dõi.
Đặt vấn đề:
CTSN là một bệnh phổ biến tại nước ta cũng như trên thế giới [1,2,5,6,7]. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề [3,5,7].
Chụp CLVT sọ não là phương pháp chọn lựa đối với CTSN [1,2,3,5,7]do khả năng cho phép đánh giá hầu hết các tổn thương của CTSN trong thời gian rất ngắn, phù hợp với bệnh lý cấp cứu [1,2,5,7]. Chụp CLVT không những cho phép chẩn đoán chính xác mà còn có ý nghĩa tiên lượng bệnh. Hiện nay, việc ứng dụng phương pháp này là tương đối rộng rãi trong các cơ sở y tế.
Việc theo dõi bệnh nhân CTSN bằng chụp CLVT là một phương pháp hữu ích để đánh giá sự tiến triển của bệnh để có cách xử trí kịp thời. Chụp nhiều lần CLVT sọ đối với bệnh nhân CTSN không những ghi nhận thêm thông tin mà còn tìm kiếm được các tổn thương thứ phát [1,3,4,5]. Vì lẽ đó, chỉ định theo dõi bằng CLVT được tiến hành một cách rộng rãi. Hiện nay, chưa thấy một quy định rõ ràng nào trong việc lặp lại việc chụp CLVT lần thứ hai, cũng như các lần tiếp theo cho bệnh nhân CTSN. Một bệnh nhân không được theo dõi để đánh giá kịp thời rất có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, một chỉ định
không hợp lý sẽ không mang lại lợi ích gì, thậm chí còn có những ảnh hưởng không tốt như phải di chuyển bệnh nhân, bức xạ và tốn kém…
Với mong muốn có cơ sở để đóng góp một số ý kiến về vấn đề theo dõi bệnh nhân CTSN bằng chụp CLVT, chúng tôi tiến hành đề tài này với các mục tiêu sau:
1.    Nhận xét việc chụp CLVT trong chẩn đoán và theo dõi các bệnh nhân CTSN tại Bệnh viện Đà Nẵng.
2.    Đưa ra một số nhận xét, kiến nghị về việc vấn đề này.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu:
Tất cả các bệnh nhân CTSN nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng trong năm 2008 có chụp CLVT sọ não ít nhất một lần.
Chúng tôi chọn vào nhóm nghiên cứu các bệnh nhân trên 15 tuổi, ở cả hai giới, không có các đa chấn thương hay các bệnh lý nặng khác kèm theo.
Phương pháp nghiên cứu:
Nghiên cứu quan sát tiến cứu trên lâm sàng.
Tất cả các bệnh nhân CTSN đều được các Bác sỹ Ngoại khoa Thần kinh thăm khám lâm sàng, đánh giá tình trạng ý thức bằng thang điểm Glasgow trước mỗi lần chụp CLVT.
Chụp CLVT kiểm tra khi có sự thay đổi điểm Glasgow, tình trạng lâm sàng; một số trường hợp là chụp kiểm tra trước khi cho ra viện.
Chụp CLVT được tiến hành trên máy Siemens 4 dãy đầu thu tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đà Nẵng với các lớp cắt song song với đường lỗ tai- đuôi mắt (OM) dày 5mm, mỏng hơn với các tổn thương ở hố sau.
Ghi nhận sự thay đổi số điểm Glasgow cũng như tất cả các dấu hiệu tổn thương trên CLVT trước và sau mỗi lần chụp; sự thay đổi về mặt hình ảnh so sánh với lần trước cũng như sự thay đổi điều trị sau các lần chụp.
Nhận xét việc chỉ định chụp CLVT trong các nhóm RLYT; từ đó rút ra các ý nghĩa thực tiển lâm sàng trong việc theo dõi bệnh nhân CTSN bằng chụp CLVT.
Các số liệu được phân tích bằng các phương pháp thống kê thích hợp.

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment