NHẬN XÉT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, X-QUANG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP XƯƠNG GÃY GÓC HÀM DƯỚI TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
NHẬN XÉT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, X-QUANG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP XƯƠNG GÃY GÓC HÀM DƯỚI TẠI BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
Vũ Thị Quý1, Đặng Triệu Hùng1, Đào Văn Giang1
1 Trường Đại học Y Hà Nội
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, x- quang của bệnh nhân gãy góc hàm dưới được phãu thuật kết hợp xương tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2021 – 2022. Nhận xét kết quả điều trị sau bảy ngày của nhóm bệnh nhân trên. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu được tiến hành trên những bệnh nhân chấn thương hàm mặt có gãy góc hàm XHD được khám và điều trị phẫu thuật kết hợp xương tại Khoa phẫu thuật hàm mặt tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức. Nghiên cứu mô tả cắt ngang, đối tượng tiến cứu. Kết quả: Tỉ lệ gãy góc hàm ở bệnh nhân nam nữ là 4:1. Lứa tuổi hay gặp là 19 – 39 tuổi chiếm 58,67%. Nguyên nhân tai nạn giao thông chiếm tới 85,34%. Kiểu gãy phối hợp chiếm tới 84% trong đó gãy vùng cằm chiếm tới 33,34%. Các triệu chứng lâm sàng hay gặp trong gãy góc hàm là điểm đau chói (90,67%), khớp cắn sai (97,33%), há miệng hạn chế (93,33%), sưng đau vùng góc hàm (90,67%). Tỉ lệ bệnh nhân ở mức độ chạm răng tốt (chạm 3 vùng ) chiếm 98,67%. Kết luận: Gãy góc hàm chủ yếu xảy ra ở nam giới, tuổi hay gặp là 19 – 39 tuổi. Nguyên nhân chấn thương chủ yếu là do tai nạn giao thông và phương tiện gây ra tai nạn phần lớn là xe máy, Gãy góc hàm thường là gãy phối hợp chủ yếu là gãy phối hợp với các đường gãy khác của XHD. Các triệu chứng lâm sàng hay gặp trong gãy góc hàm là điểm đau chói, khớp cắn sai, há miệng hạn chế, sưng đau vùng góc hàm. Tỉ lệ bệnh nhân ở mức độ chạm răng tốt chiếm đa số.
Góc hàm là một điểm yếu của XHD, có thể do xương vùng góc hàm mỏng (mặt phẳng cắt ngang), do có sự chuyển hướng của các thớ xương và có sự hiện diện của răng khôn hàm dưới1,23. XHD là một xương động, vùng góc hàm lại có đặc điểm giải phẫu khá phức tạp, đặc biệt là có liên quan mật thiết với các nhánh của dây thần kinh mặt, thần kinh hàm dưới, động mạch và tĩnh mạch mặt, và là nơi bám của đa sốcác cơ nhai4. Vì vậy, trong gãy góc hàm,để chẩn đoán chính xác, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp và hạn chế biến chứng sau mổ cần khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và xem xét trong sự vận động chức năng, cơ sinh học của XHD2.Để góp phần đánh giá kết quả điều trị cũng như nâng cao chất lượng trong việc điều trị bệnh nhân gãy góc xương hàm dưới, chúng tôi tiến hành đề tài:“Nhận xét đặc điểm lâm sàng, x-quang và kết quả kết hợp xương gãy góc hàm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”với 2 mục tiêu: 1. Mô tả đặcđiểm lâm sàng, x-quang của bệnh nhân gãy góc hàm dưới được phãu thuật kết hợp xương tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức năm 2021 –2022.2. Nhận xét kết quả điều trị sau 7 ngày của nhóm bệnh nhân trên.
Nguồn: https://luanvanyhoc.com