Nhận xét lâm sàng, X quang gãy góc hàm xương hàm dưới và đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật

Nhận xét lâm sàng, X quang gãy góc hàm xương hàm dưới và đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật

Chấn thương hàm mặt là một cấp cứu hay gặp trong cuộc sống hằng ngày, gia tăng đáng kể trong những năm gần đây; nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông mà đặc biệt là tai nạn xe máy. Trong các loại chấn thương hàm mặt thì chấn thương gãy XHD chiếm tỷ lệ cao nhất, theo Balwant Rai và Cs (2007) gãy XHD chiếm 61% các gãy xương mặt và trong đó hay xảy ra gãy ở vùng góc hàm [36], Viện Răng Hàm Mặt Quốc Gia thống kê trong hai năm (2001 – 2002) có 1689 trường hợp gãy các xương mặt, trong đó gãy XHD chiếm 54,41%.

Trên thế giới, Seth R. Thaller, W. Scott McDonald (2004) cho rằng góc hàm là một điểm yếu của XHD vì xương phía trước và phía sau đều dày hơn vùng này, do đó đây là một trong những vị trí gãy thường gặp nhất của XHD [49]; Nhiều tác giả nhận định gãy góc hàm chiếm 20 – 40% gãy XHD, chẳn hạn như gần đây Mark W. Ochs, Myron R. Tucker (2008) đưa ra tỷ lệ này là: 24,5% [66]; Col GK Thapliyal, Col R Sinha (2008): 30.5% [43].

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Trần Văn Trường và Trương Mạnh Dũng tại Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội (1988 – 1998), có 2149 trường hợp chấn thương hàm mặt, trong đó gãy XHD là hay gặp nhất (63,66%) và riêng gãy góc hàm chiếm 25,22%, chủ yếu là do tai nạn giao thông (82,50%) [27]. Hoàng Nam Tiến và Cs (1994 – 2003) nghiên cứu tại Bệnh viện 87, gãy góc hàm chiếm 27,4% (37/135) gãy XHD.

Việc chẩn đoán sớm và xử trí cấp cứu kịp thời gãy góc hàm nói riêng và gãy XHD nói chung có vai trò rất quan trọng trong thực hành lâm sàng, đặc biệt là ở các tuyến y tế cơ sở việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đa số gãy góc hàm là gãy hở (qua ổ răng số 8), gãy phối hợp, gãy không thuận lợi dễ di lệch thứ phát, không có răng ở đoạn gãy phía sau nên thường gặp khó khăn trong xử trí ban đầu như không thể cố định hai đầu gãy bằng cố định một hàm với cung Tiguerstedt hay chỉ thép, dễ nhiễm trùng. Vì vậy, chẩn đoán và xử trí muộn dễ để lại những biến chứng nặng nề về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ.

Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, các phương tiện phẫu thuật cũng như các vật liệu tương hợp sinh học dùng cho KHX dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị phẫu thuật gãy góc hàm càng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay để lựa chọn được phương pháp phẫu thuật thích hợp và có hiệu quả nhất cho từng bệnh nhân gãy góc hàm là điều không dễ dàng. Do đó, cần đánh giá kết quả một số phương pháp điều trị phẫu thuật để lựa chọn một phương pháp tối ưu cho bệnh nhân.

Ngoài ra, gãy góc hàm có tỉ lệ biến chứng cao nhất trong gãy XHD như nhiễm trùng, chậm hoặc không liền xương, tổn thương nhánh bờ hàm dưới của dây thần kinh mặt, khớp cắn sai,…[78]. Ellis E, Walker L cho thấy biến chứng của KHX bằng nẹp vít trong gãy vùng góc hàm có thể lên đến 30% [71]. Do đó, cần nghiên cứu các biến chứng thường gặp của gãy góc hàm để chú ý dự phòng và khắc phục sớm.

Vấn đề gãy góc hàm XHD đã có nhiều tác giả nước ngoài nghiên cứu, đặc biệt là các phương pháp điều trị phẫu thuật, biến chứng và các yếu tố liên quan. Tuy nhiên, ở nước ta nghiên cứu về gãy XHD thì nhiều nhưng riêng gãy góc hàm còn rất ít tác giả quan tâm, vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng vì chấn thương gãy góc hàm ngày càng nhiều, thương tổn cũng phức tạp hơn và nhiều biến chứng hơn.

Để góp thêm phần nào vào việc chẩn đoán sớm và điều trị phẫu thuật gãy góc hàm XHD ngày càng tốt hơn cho bệnh nhân, chúng tôi thực hiện đề tài “ Nhận xét lâm sàng, X quang gãy góc hàm xương hàm dưới và đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật ” nhằm hai mục tiêu:

1. Nhận xét các đặc điểm lâm sàng và X quang gãy góc hàm xương hàm dưới

2. Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật gãy góc hàm xương hàm dưới

MỤC LỤC

ĐẶT VẤN ĐỀ 1

Chương 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU 3

1.1. Lịch sử về chẩn đoán và điều trị gãy góc hàm XHD 3

1.2. Đặc điểm giải phẫu vùng góc hàm XHD và liên quan 5

1.3. Đặc điểm vùng góc hàm XHD liên quan đến chấn thương 9

1.4. Cơ sinh học vùng góc hàm liên quan đến điều trị phẫu thuật gãy góc hàm 11

1.5. Phân loại gãy góc hàm XHD 17

1.6. Phân loại RKHD lệch ngầm trong đường gãy góc hàm XHD 21

1.7. Triệu chứng lâm sàng, X quang và chẩn đoán gãy góc hàm XHD 22

1.8. Điều trị gãy góc hàm XHD và biến chứng 25

Chương 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 29

2.1. Đối tượng nghiên cứu 29

2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu 29

2.3. Phương pháp nghiên cứu 30

2.4. Xử lý số liệu 46

2.5. Biện pháp khống chế sai số 46

2.6. Vấn đề đạo đức trong nghiên cứu 46

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 47

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu 47

3.2. Đặc điểm lâm sàng và X quang 49

3.3. Điều trị phẫu thuật gãy góc hàm 56

3.4. Biến chứng của điều trị phẫu thuật gãy góc hàm 60

3.5. Kết quả điều trị phẫu thuật gãy góc hàm 61

Chương 4: BÀN LUẬN 68

4.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu 68

4.2. Đặc điểm lâm sàng và X quang 72

4.3. Điều trị phẫu thuật gãy góc hàm 83

4.4. Biến chứng của điều trị phẫu thuật gãy góc hàm 90

4.5. Kết quả điều trị phẫu thuật gãy góc hàm 92

KẾT LUẬN 98

KIẾN NGHỊ 100

TÀI LIỆU THAM KHẢO

BỆNH ÁN NGHIÊN CỨU MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA DANH SÁCH BỆNH NHÂN 

 

Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích

Leave a Comment