Nhân xét tình trạng lạm dụng Cortiocod ở bệnh nhân mắc bệnh gút
Ở nước ta hiện nay công tác quản lý thuốc chưa được chặt chẽ, quy chế sử dụng thuốc an toàn và hợp lý chưa được đảm bảo. Dường như bất kỳ bệnh khớp nào bệnh nhân cũng dùng corticoid, dẫn tới những tai biến do thuốc này ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh và làm giảm hiệu quả của quá trình điều trị. Gút là một bệnh khớp thuộc nhóm rối loạn chuyển hoá, corticoid chỉ được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt [3, 5]. Tuy nhiên ở nước ta, tình trạng sử dụng corticoid ở bệnh nhân mắc bệnh Gút tương đối phổ biến. Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu:
1. Nhận xét tình trạng lạm dụng corticoid ở các bệnh nhân mắc bệnh Gút điều trị nội trú tại khoa Cơ Xương Khớp BV Bạch Mai.
2. Mô tả các tác dụng không mong muốn của corticoid xảy ra ở các bệnh nhân nói trên.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: gồm 63 bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bệnh Gút theo tiêu chuẩn của Bennett và Wood – 1968 [3], điều trị nội trú tại khoa Cơ Xương Khớp Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 9 năm 2007 đến tháng 5 năm 2008. Các bệnh nhân này được chia thành 02 nhóm: Nhóm 1: có tiền sử sử dụng corticoid; Nhóm 2: hoàn toàn không sử dụng corticoid trong tiền sử hoặc hiện tại, với mục đích làm nhóm chứng nhằm đánh giá khách quan các tác dụng không mong muốn của corticoid trên bệnh nhân mắc bệnh Gút.
– Tiêu chuẩn loại bệnh nhân khỏi nghiên cứu: các bệnh nhân mắc bệnh Gút có thể đã sử dụng corticoid nhưng không rõ loại và liều lượng (ví dụ các bệnh nhân sử dụng thuốc nam hiện có các triệu chứng do corticoid gây ra như bộ mặt Cushing…).
2 Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến cứu.
Nội dung nghiên cứu.
– Đặc điểm bệnh nhân nghiên cứu: tuổi, giới, tuổi khởi phát bệnh, giai đoạn bệnh: cơn Gút cấp hoặc đợt cấp của Gút mạn; thời gian chuyển thành Gút mạn tính: được tính từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi xuất hiện hạt tôphi đầu tiên.
– Với các bệnh nhân có tiền sử sử dụng corticoid:
+ Điều tra loại corticoid được sử dụng, liều dùng, thời gian sử dụng, thời điểm dùng thuốc, người chỉ định, sử dụng các thuốc kết hợp nhằm giảm tác dụng không mong muốn.
+ Phát hiện các biểu hiện của tác dụng không mong muốn của corticoid trên các hệ cơ quan: nội tiết, tiêu hoá, cơ xương khớp, tim mạch, nhiễm khuẩn, da và niêm mạc.
+ Các thông số cận lâm sàng (thực hiện tại thời điểm nghiên cứu): Acid uric máu, tế bào máu ngoại vi, glucose máu, điện giải đồ. đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA. Các xét nghiệm được thực hiện tại khoa cận lâm sàng tại bệnh viện Bạch Mai.
Số liệu được phân tích bằng phần mềm Excel và SPSS 15.0, sử dụng thuật toán thống kê y học
Trong điều trị bệnh gút, corticoid chỉ được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên ở nước ta, tình trạng lạm dụng corticoid khá phổ biến. Mục tiêu: nhận xét tình trạng lạm dụng corticoid và mô tả các tác dụng không mong muốn của corticoid ở 63 bệnh nhân mắc bệnh Gút điều trị nội trú tại khoa Cơ Xương Khớp – Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 9/2007 đến tháng 5/2008. Phương pháp: tiến cứu, mô tả cắt ngang. Kết quả: Tỷ lệ sử dụng corticoid: 61,9%, trong đó 25,6% phụ thuộc corticoid. Đa số (76,9%) bệnh nhân sử dụng liều 5-10 mg/ngày; thời gian sử dụng trung bình 3 năm. Các biểu hiện tác dụng không mong muốn của corticoid đa dạng với 15 triệu chứng: bộ mặt Cushing (15,4%); suy thượng thận (7,7%); hạ kali máu (28,2%); tăng đường máu (20,5%), giảm canxi máu (15,4%); tăng canxi niệu (12,8%); loãng xương nặng (15,4%), tăng huyết áp (12,8%) và một số triệu chứng khác. Kết luận: Tình trạng lạm dụng corticoid trong điều trị bệnh gút khá phổ biến. Đã xảy ra nhiều tác dụng không mong muốn, trong đó có những tác dụng gây hậu quả nghiêm trọng.
Thông tin này hy vọng sẽ gợi mở cho các bạn hướng tìm kiếm và nghiên cứu hữu ích